|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cư dân Thăng Long Garden đòi được 90% quỹ bảo trì và vẫn tiếp tục đòi

10:38 | 14/06/2017
Chia sẻ
Giữa “mùa biểu tình” đang diễn ra gần đây ở các chung cư tại Hà Nội, Thăng Long Garden là tòa nhà hiếm hoi mà cư dân tại đây giành được “thắng lợi lớn" khi đòi lại được gần 13,2 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì (tương ứng với 90%).
thang long garden doi duoc 90 quy bao tri va chua dung lai
Trước khi bị "tố" vì không chịu hoàn trả quỹ bảo trì cho BQT, May Thăng Long còn từng bị cư dân bêu tên trong các lần biểu tình bởi nhiều sai phạm và bất cập trong việc quản lý tòa nhà.

Mới đây trao đổi với PV, Trưởng Ban Quản trị (BQT) chung cư Thăng Long Garden, ông Đỗ Quang Bình cho biết đã nhận được tổng cộng gần 13,2 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì do chủ đầu tư (CĐT) là Công ty cổ phần May Thăng Long chuyển trả. Số tiền này được CĐT chuyển thành hai lần, lần đầu vào ngày 8/6 trả 505 triệu đồng; lần thứ hai vào ngày 9/6 trả gần 12,7 tỷ đồng. Như vậy, BQT đã nhận được 90% tiền quỹ bảo trì mà CĐT đã thu từ các hộ dân.

Tuy nhiên, công ty May Thăng Long vẫn còn phải đóng thêm tiền quỹ bảo trì cho phần diện tích họ không bán mà sở hữu tại tòa nhà, bởi công ty cũng được coi là một “cư dân” trong tòa nhà và phải nộp tiền quỹ bảo trì theo quy định. Ngoài ra, số tiền quỹ này bị CĐT “giam” trong một năm nên họ phải trả cho BQT cả phần lãi. Tổng giá trị quỹ bảo trì thực tế theo BQT ước tính khoảng 20 tỷ đồng, CĐT cần trả thêm 6,8 ty đồng nữa.

Thăng Long Garden hiện có 436 căn hộ, CĐT đã thu phí bảo trì của tất cả các hộ với tổng số tiền 14,6 tỷ đồng (trung bình mỗi hộ phải nộp 33,5 triệu đồng vào quỹ bảo trì). Nếu tính thêm tiền lãi gửi ngân hàng thì số tiền quỹ bảo trì hiện tại của chung cư đã lên đến con số gần 20 tỷ đồng.

Theo kết luận của đại diện UBND quận Hai Bà Trưng trong buổi họp sáng ngày 9/6 với công ty May Thăng Long và BQT chung cư Thăng Long Garden, hai bên phải thống nhất về kết toán quỹ bảo trì xong trước ngày 24/6 và CĐT phải chuyển trả nốt số tiền quỹ còn thiếu cho BQT. Nếu sau ngày 24/6 mà hai bên vẫn chưa thống nhất được thì UBND quận sẽ đề nghị UBND thành phố cưỡng chế việc thực hiện nội dung này.

Còn việc bàn giao lại hồ sơ quy hoạch và hồ sơ thiết kế đã được UBND TP duyệt kèm giấy phép xây dựng của dự án, May Thăng Long phải thực hiện chậm nhất là ngày 15/6. UBND quận cũng yêu cầu Sở Xây dựng cung cấp trích lục hồ sơ thiết kế và sẽ buộc CĐT phải bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng đúng như hồ sơ đã được thành phố duyệt.

Trưởng BQT khẳng định, có được kết quả này là bởi BQT Thăng Long Garden đã kiên quyết và bền bỉ đấu tranh trong một năm ròng rã (từ khi thành lập vào tháng 8/2016). Trước đó, May Thăng Long từng tuyên bố rằng công ty đang gặp khó khăn về tài chính và xin trả góp số tiền quỹ bảo trì từ 10 - 12% mỗi quý. Tuy có ý kiến đề xuất chấp nhận phương án này vì lo sợ CĐT không có đủ khả năng trả ngay số tiền hàng chục tỷ đồng nhưng BQT chung cư vẫn không đồng ý.

“Chấp nhận cho CĐT trả góp tiền quỹ bảo trì là hành động đồng lõa với sai phạm của họ, bởi theo quy định quỹ này khồn thuộc sở hữu của CĐT, họ chỉ có nghĩa vụ thu hộ và phải hoàn trả lại BQT ngay khi tổ chức này được thành lập”, ông Bình nói.

Trước đó, trong suốt 10 quý qua, BQT đã liên tiếp gửi ba công văn đến công ty May Thăng Long yêu cầu được trả lại quỹ bảo trì của chung cư nhưng đều bị lờ đi. Ban đầu, công ty thẳng thắn từ chối việc giao lại quỹ với lý do: họ vẫn sở hữu nhiều diện tích trong tòa nhà nên họ là cư dân lớn nhất, có trách nhiệm phải giữ và bảo vệ quỹ bảo trì thay các cư dân khác.

Tuy nhiên sau đó khi UBND TP cùng Sở Xây dựng vào cuộc, công ty phải đối thoại trực tiếp cùng BQT thì lại đưa ra kế hoạch trả góp nói trên. Nhưng BQT Thăng Long Garden kiên quyết không chấp nhận phương án này vì CĐT đã chây ỳ nhiều lần hứa hẹn nhưng đều quá hạn không trả.

Hiện tại, ngoài Thăng Long Garden, nhiều chung cư khác tại Hà Nội cũng đang diễn ra các tranh chấp giữa cư dân và CĐT như Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông), Golden West (quận Thanh Xuân), Capital Garden (quận Đống Đa), Helios Tower (quận Hoàng Mai)...

Tại hầu hết các dự án, việc biểu tình, khiếu kiện của người dân mới được báo chí đưa tin, UBND phường, quận vào cuộc dàn xếp cho cư dân và CĐT đối thoại chứ chưa có kết quả cụ thể mới nào về việc cưỡng chế chủ dự án phá bỏ các hạng mục thi công sai phạm hay giao nộp những hồ sơ quản lý tòa nhà và giấy tờ pháp lý cần thiết (chứng nhận PCCC, bản thiết kế quy hoạch ban đầu của dự án được thành phố phê duyệt...).

Linh Lê

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.