|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số bán các thiết bị đeo trên người có thể giảm lần đầu sau gần 10 năm

11:18 | 27/12/2022
Chia sẻ
Tính đến hết quý III, Apple vẫn là đơn vị dẫn đầu thị trường thiết bị đeo trên người (smartwatch, tai nghe,...), nhưng đối thủ lớn nhất của "táo khuyết" là Samsung đã tụt xuống vị trí thứ ba, xếp sau một nhà sản xuất tới từ Ấn Độ.

Trong quý III, thị trường công nghệ đeo trên người (Wearable Technology) nhích lên với mức tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, các chuyên gia tại International Data Corporation (IDC), đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường công nghệ, dự đoán doanh số bán các sản phẩm đeo trên người trong cả năm 2022 sẽ giảm 3,3% xuống còn 515,6 triệu chiếc, đánh dấu năm đầu tiên giảm kể từ năm 2013.

Sự lao dốc của thị trường trong năm 2022 bắt nguồn từ việc so sánh khó khăn giữa các năm sau khi thị trường tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, năm 2022 cũng là thời điểm mà môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, qua đó ảnh hưởng tới nhiều nhóm ngành sản phẩm khác nhau, bao gồm cả thị trường công nghệ đeo trên người.

Doanh số bán các sản phẩm đeo trên người trong năm 2022 có thể chứng kiến lần đầu giảm từ năm 2013. (Ảnh: Phone Area).

Tuy nhiên, IDC kỳ vọng điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện cũng như nhu cầu gia tăng từ các thị trường mới nổi sẽ thúc đẩy tăng trưởng mới đối với các sản phẩm đeo trên người vào năm 2023, với số lượng xuất xưởng dự báo đạt 539 triệu chiếc.

Mặc dù thị trường thiết bị đeo trên người thường bị thống trị bởi các ông lớn trong ngành như Apple, Samsung, Huawei và Xiaomi, nhưng sự kết hợp đó đã thay đổi khi tốc độ tăng trưởng ở Ấn Độ và cụ thể là các thương hiệu của Ấn Độ đã vượt xa phần còn lại của thế giới.

Trong quý III, 3 trong số 10 công ty cung cấp thiết bị đeo hàng đầu thế giới đều đến từ Ấn Độ, với việc Imagine Marketing nhảy lên vị trí thứ hai sau Apple với tư cách là một công ty toàn cầu.

Jitesh Ubrani, giám đốc nghiên cứu của IDC cho biết: "Ấn Độ đang trên đà vượt qua Mỹ để trở thành thị trường thiết bị đeo trên người lớn thứ hai về số lượng đơn vị xuất xưởng, mặc dù vẫn còn một khoảng cách tương đối xa so với đối thủ hàng đầu về giá trị sản phẩm tính theo đồng USD.

Điều này chắc chắn là tín hiệu tốt cho các thương hiệu cao cấp như Apple, Google và Samsung vì chúng thường có giá cao hơn một bậc. Tuy nhiên, sự nổi lên của các thương hiệu Ấn Độ đặt các thương hiệu như Xiaomi và Huawei vào một vị trí bấp bênh khi họ có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường và phân khúc giá mà họ nhắm tới, nhất là khi các thương hiệu Ấn Độ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trên toàn cầu”.

Nhìn về phía trước, thị trường thiết bị đeo trên người được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong 5 năm là 5,1%, khi doanh số bán hàng trên toàn cầu dự kiến đạt 628,3 triệu chiếc vào cuối năm 2026.

IDC đưa ra kỳ vọng cho thị trường đồng hồ thông minh, bao gồm cả những chiếc chạy một hệ điều hành cấp cao chẳng hạn như Apple Watch của Apple hoặc Wear OS của Google, cũng như một số sản phẩm khác, chẳng hạn như các sản phẩm từ Polar, Withings, OnePlus hoặc các hãng khác, phát triển với CAGR 6,3%, trong khi kỳ vọng thị trường thiết bị có thể nghe được sẽ có CAGR 5,1% trong cùng kỳ.

Ramon T. Llamas, giám đốc nghiên cứu bộ phận thiết bị di động và AR/VR tại IDC cho biết: “Mặc dù thị trường sẽ thu hẹp vào năm 2022, nhưng đây chỉ là tạm thời. Các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn tương đối hợp lý đi kèm tỷ lệ thay thế tốt, tiếp tục thâm nhập thị trường và ngày càng có nhiều thiết bị hơn với các bộ tính năng và mức giá khác nhau trong những năm tới.

Tuy nhiên, với số lượng thương hiệu và thiết bị nhiều như hiện nay, việc tạo ra điểm nhấn hay sự khác biệt sẽ tương đối khó khăn. Điều này buộc các nhà cung cấp phải có trách nhiệm phát triển các thiết bị và giải pháp tốt nhất trên thị trường để thu hút và giữ chân khách hàng của mình”.

Doanh số và thị phần của các thương hiệu hàng đầu trên thị trường thiết bị đeo trên người trong quý III. (Nguồn: IDC).

Tính riêng trong quý III, doanh số bán hàng của Apple trên thị trường thiết bị đeo trên người đạt mức 40,8 triệu chiếc, bỏ xa các đối thủ xếp sau, lần lượt là Imagine Marketing (11,9 triệu chiếc), Samsung (11,8 triệu chiếc), Huawei (8,9 triệu chiếc) và Xiaomi (8,5 triệu chiếc).

Thị phần của “táo khuyết” cũng tỏ ra vượt trội so với các đối thủ khác, chiếm 29%, cao hơn hẳn so với các đối thủ xếp sau như Imagine Marketing (8,5%), Samsung (8,3%), Huawei (6,3%) và Xiaomi (6,1%).

Dù vậy, nếu xét về tốc độ tăng trưởng sau một năm, nhà cung cấp Imagine Marketing của Ấn Độ mới là đơn vị dẫn đầu trong top 5 với mức tăng trưởng lên tới 19,5%. Xếp ở vị trí thứ hai là Apple với mức tăng trưởng 2,5%.

Trong khi đó, ba đơn vị còn lại trong top 5 đều chứng kiến sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm lần lượt là Samsung (giảm 8%), Huawei (giảm 18,5%) và Xiaomi (giảm 32,9%).

Anh Nguyễn