|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một quan chức cấp cao tuyên bố nếu nền kinh tế xấu đi, Fed sẽ phản ứng

06:36 | 06/08/2024
Chia sẻ
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng với các dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế

 

Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Chicago. (Ảnh: Bloomberg).

Hôm 5/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng với các dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế. Ông còn hàm ý chính sách tiền tệ có thể đang quá thắt chặt.

Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC, khi được hỏi liệu sự suy yếu của thị trường lao động và lĩnh vực sản xuất có thể thúc đẩy một phản ứng từ Fed hay không, ông Goolsbee không cam kết về một động thái cụ thể.

Song, ông cho biết việc duy trì lập trường chính sách “hạn chế” là không hợp lý nếu nền kinh tế đang yếu đi. Ông cũng từ chối bình luận về việc liệu Fed có hạ lãi suất khẩn cấp hay không.

“Nhiệm vụ của Fed rất đơn giản, đó là tối đa hoá việc làm, ổn định giá cả và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Đó là những gì chúng tôi sẽ làm”, vị quan chức nhấn mạnh với CNBC.

“Nếu các điều kiện kinh tế bắt đầu xấu đi, nếu thị trường lao động hay lĩnh vực sản xuất suy yếu, chúng tôi sẽ khắc phục tình hình”, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago nói thêm.

Cuộc phỏng vấn giữa ông Goolsbee và CNBC diễn ra giữa lúc thị trường tài chính đang hỗn loạn. Làn sóng bán tháo bắt đầu từ phiên 1/8, một ngày sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed quyết định không hạ lãi suất.

Quyết định đó làm dấy lên lo ngại rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang chậm chân trong bối cảnh lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và nền kinh tế bắt đầu suy yếu rõ hơn.

Lo ngại tăng cao vào ngày 2/8, khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm yếu hơn kỳ vọng. Vào tháng 7, nền kinh tế chỉ tạo ra thêm 114.000 việc làm, thấp hơn hẳn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.

Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đi lên, chạm mức cao nhất trong hơn ba năm là 4,3%. Số liệu mới còn kích hoạt một chỉ báo suy thoái được nhiều chuyên gia theo dõi sát sao là Quy tắc Sahm.

Theo nhà kinh tế Claudia Sahm, nền kinh tế đã rơi vào suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Tính đến tháng 7, mức chênh lệch này đã nới rộng ra 0,53 điểm %.

 

Tuy nhiên, chia sẻ với CNBC, ông Goolsbee không tin rằng suy thoái là kịch bản cơ sở của nền kinh tế số một thế giới.

“Số liệu việc làm yếu hơn dự kiến, nhưng nền kinh tế chưa có vẻ như đang suy thoái”, ông nói. “Tôi nghĩ bạn muốn đánh giá thêm dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra kết luận”.

Tuy nhiên, một lần nữa ông cho biết chính sách tiền tệ của Fed hiện đang mang tính hạn chế. Đây là một lập trường mà Fed chỉ nên áp dụng nếu nền kinh tế có vẻ như đang quá nóng.

Ở cuộc họp vào giữa tuần trước, ngân hàng trung ương này đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong khoảng 23 năm. Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào tháng 7/2023.

“Chúng tôi có nên nới lỏng chính sách hay không? Tôi sẽ không trói chân Fed vào kịch bản nào, vì chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm các thông tin khác. Song, nếu nền kinh tế không quá nóng, chúng tôi không nên thắt chặt quá mức”, ông lập luận.

Các nhà hoạch định chính sách tập trung hơn vào lãi suất quỹ liên bang “thực tế”, tức lãi suất chuẩn đã trừ tỷ lệ lạm phát.

Do lạm phát đi xuống, lãi suất thực đang tăng lên. Cho nên, chi phí đi vay chỉ thay đổi khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất. Lãi suất thực hiện ở mức 2,73%, trong khi các quan chức Fed đánh giá lãi suất thực trong dài hạn sẽ gần mức 0,5%.

Thị trường tài chính đang kỳ vọng các quan chức Fed sẽ nới lỏng chính sách mạnh tay, bắt đầu từ tháng 9 với mức giảm 50 điểm cơ bản (bps).

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch hiện kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất 125 đến 150 bps trong năm nay. Nói cách khác, Fed sẽ phải giảm lãi suất đến 50 bps tại mỗi cuộc họp còn lại của năm 2024.

 

 

Khả Nhân