Một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã làm được điều Apple không thể
Thành công trong vỏn vẹn trong ba năm
Xiaomi là một công ty Trung Quốc nổi tiếng với các sản phẩm như nồi cơm điện, robot hút bụi, máy lọc không khí và smartphone. Giờ đây, họ đã làm được điều mà đối thủ lâu năm Apple không thể: sản xuất và đưa một chiếc xe điện ra thị trường.
Và, Xiaomi làm được tất cả trong ba năm. Hồi cuối tháng 3, hãng đã ra mắt mẫu xe sedan SU7 đến các khách hàng ở thị trường quê nhà. Kể từ tháng 4, Xiaomi cho biết họ đã giao hơn 10.000 xe và nhận được hàng trăm nghìn đơn đặt hàng.
Chiếc SU7 có giá từ 30.000 đến 42.000 USD và có thể chạy hơn 800 km trong một lần sạc. Mẫu xe này rẻ hơn phiên bản tương đương của Tesla tại thị trường Trung Quốc là Model 3 khoảng 4.000 USD và chạy hơn 300 km trong một lần sạc.
Trong khi đó, vào đầu năm nay, nhà sản xuất iPhone đã từ bỏ giấc mơ xe điện của mình. Sau 10 năm nghiên cứu và phát triển, Apple tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD nhưng không đi đến đâu.
Wall Street Journal cho rằng thành công của Xiaomi đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực sản xuất ô tô có tuổi đời hàng thế kỷ: các rào cản gia nhập thị trường đã giảm bớt trong những năm gần đây với sự xuất hiện của xe điện. Và Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua.
Khi phần cứng trở nên đơn giản hơn, trọng tâm để tạo nên một sản phẩm hấp dẫn đã chuyển sang phần mềm và các tính năng.
Ông Paul Gong, trưởng bộ phận nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại UBS, cho hay: “Những chiếc xe điện mới giống như máy tính có gắn pin và chạy trên bánh xe. Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đang đi trước hầu hết các đối thủ khác trong toàn bộ chuỗi cung ứng xe điện”.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí, Xiaomi đã học hỏi kinh nghiệm từ Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm riêng và thâm nhập vào chuỗi cung ứng xe đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc.
Nhiều năm sản xuất máy tính xách tay, máy xay sinh tố và camera an ninh cũng giúp Xiaomi phát triển những tính năng phù hợp với người tiêu dùng.
Chẳng hạn, Xiaomi đã trang bị một bảng nút vật lý có thể tháo rời bên dưới màn hình trung tâm rộng 16,1 inch dành cho những người không thích điều khiển âm lượng hoặc chỗ ngồi qua màn hình cảm ứng.
Hồi tháng 4, tại triển lãm ô tô thường niên lớn nhất Trung Quốc, giám đốc từ các thương hiệu xe lớn nhất thế giới đã tập trung quanh gian hàng của Xiaomi.
Tỷ phú Wang Chuanfu - CEO nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD - tiết lộ với CEO Lei Jun rằng ban đầu ông băn khoăn liệu Xiaomi có thể thành công hay không. Song, giờ ông Wang biết mối nghi ngờ đó là sai.
“Đây không phải một thành công nhỏ. Rất ngưỡng mộ các anh”, CEO của BYD bày tỏ.
Để mắt đến Tesla
Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, sau Apple và Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, việc chế tạo ô tô phức tạp hơn nhiều so với sản xuất điện thoại, CEO Lei Jun của Xiaomi cho hay trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4 với đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Ông cho biết Xiaomi gặp phải nhiều khó khăn dù không cần phải chế tạo động cơ đốt trong từng khiến nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống phải đau đầu. Theo vị CEO, dự án phát triển SU7 cần 6.000 nhân sự.
Một số được tuyển dụng từ các hãng xe nước ngoài như Porsche và BMW, một số được điều chuyển từ những bộ phận khác trong Xiaomi, ông Ma Yingbo - thành viên tổ marketing của Xiaomi - tiết lộ thêm.
Trong số những chiếc xe mà Xiaomi tham khảo có Model 3 của Tesla. Để đơn giản hoá dây chuyền sản xuất và giảm chi phí, Xiaomi đã áp dụng quy trình “gigacasting” của Tesla.
Theo đó, Xiaomi sẽ sử dụng phương pháp đúc nhôm áp suất cao với quy mô lớn để tạo khung xe. Quy trình trên kết hợp hàng trăm bước sản xuất thành một, tiết kiệm linh kiện, vật liệu, thời gian và chi phí, theo Wall Street Journal.
Xiaomi cũng phải nỗ lực sáng tạo. Nhôm lỏng được bơm vào máy đúc khuôn phải là loại nhôm có thể chịu được áp suất lớn.
Ông Ma cho biết Xiaomi đã phải nghiên cứu vật liệu của riêng mình, xây dựng một chương trình trí tuệ nhân tạo sử dụng phương pháp học sâu (deep learning) để mô phỏng phản ứng của các vật liệu khác nhau trong máy đúc.
Xuất phát từ mối lo không thể kiếm tiền
Xiaomi đã hợp tác với Beijing Automotive Industry Group (BAIC) để bắt đầu xây dựng nhà máy sử dùng giấy phép sản xuất xe của công ty nhà nước này. Từ đó, Xiaomi mất nửa năm để thiết kế nhà máy và thêm 15 tháng để xây dựng.
Phần còn lại của chặng đường ba năm, Xiaomi dùng để xử lý các giấy phép cũng như phát triển quy trình kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn.
Chia sẻ với CCTV, CEO Lei Jun cho biết Xiaomi chỉ bắt đầu nghiêm túc với việc nhảy vào lĩnh vực ô tô sau khi chính phủ Mỹ đưa công ty vào danh sách đen vào tháng 1/2021 vì cho rằng Xiaomi có liên hệ với quân đội Trung Quốc. (Vào tháng 5/2021, Washington đã đồng ý loại Xiaomi ra khỏi danh sách đen).
Vào ngày Mỹ công bố danh sách đen, ông Lei đã tập hợp các thành viên hội đồng quản trị để họp khẩn. Vị CEO lo lắng rằng Xiaomi có thể sớm mất quyền tiếp cận các linh kiện của Mỹ và không thể sản xuất smartphone nữa.
Nói tóm lại, ông Lei nhận thấy Xiaomi cần tìm cách mới để kiếm tiền. Đến tháng 3/2021, Xiaomi tuyên bố ý định sản xuất xe điện và cam kết đầu tư 10 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Từ một mẫu xe đến sản xuất quy mô lớn
Màn ra mắt của Xiaomi đã đưa hãng này lọt vào top 10 công ty xe điện mới ở Trung Quốc. Sự xuất hiện của Xiaomi cũng làm phức tạp thêm cuộc chiến về giá tại Trung Quốc, nơi có hơn 100 thương hiệu đang cố giành thị phần trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Ông Lei dự đoán chỉ 5 đến 8 công ty có thể trụ lại và cho biết Xiaomi hiện đang bán lỗ. Ông tiết lộ với CCTV rằng để có lãi, Xiaomi sẽ phải sản xuất 300.000 đến 400.000 chiếc SUV mỗi năm.
Xiaomi cần nhanh chóng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Những khách hàng đặt xe vào cuối tháng 4 sẽ phải chờ 40 đến 50 tuần mới nhận được xe.
Tuần trước, Mỹ đã tăng mức thuế quan đối với xe điện Trung Quốc lên khoảng 100%. Xiaomi cho biết họ sẽ tập trung vào thị trường quê nhà trong ba năm tới.