|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một đơn vị buôn sắt thép phế liệu sắp lên sàn, chủ tịch đang làm việc tại công ty chứng khoán

07:03 | 15/04/2021
Chia sẻ
Theo tìm hiểu, CTCP Gang thép Hà Nội được thành lập từ ngày 8/11/2013. Về hoạt động kinh doanh, công ty chuyên nhập các loại sắt thép phế liệu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp sau đó phân phối trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất gang thép trên toàn quốc.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu HSV của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Nội. Tổng số lượng cổ phiếu HSV đăng ký giao dịch đạt 5 triệu đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ của doanh nghiệp là 50 tỷ đồng.Trước đó, Gang thép Hà Nội đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán vào ngày 23/2.

Gang thép Hà Nội cung cấp thép phế liệu cho Hòa Phát, Nghi Sơn, Bắc Việt

Theo tìm hiểu, CTCP Gang thép Hà Nội được thành lập từ ngày 8/11/2013 với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng và được góp bởi ba 3 cổ đông sáng lập. Nhằm mục tiêu gia tăng quy mô hoạt động, tháng 11/2019, công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh chính của Gang thép Hà Nội là buôn bán phế liệu kim loại, phi kim loại.

Công ty chuyên nhập các loại sắt thép phế liệu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp sau đó phân phối trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất gang thép trên toàn quốc như Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên - công ty con do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 100% vốn, Công ty Cổ phần Gang thép Nghi Sơn, Công ty TNHH TM & DV Bắc Việt Green, Công ty Tân Hoàng Linh...

Tính riêng năm 2020, tổng giá trị các hợp đồng lớn mà công ty thực hiện đạt gần 323 tỷ đồng.

Gang thép Hà Nội hiện đang có hai kho chuyên thu gom, tập hợp các loại phế liệu kim loại dưới hình thức kho thuê, đạt tại Thạch Thất, Hà Nội và khu công nghiệp Phú Mỹ 1, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như công bố, cơ cấu cổ đông của Gang thép Hà Nội chỉ bao gồm các nhà đầu tư cá nhân. Tính đến 31/1/2021, ông Nguyễn Văn Quân, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là cổ đông lớn duy nhất của công ty.

Trong bộ máy lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT Gang thép Hà Nội là ông Nguyễn Mậu Hoàng, hiện sở hữu 40.000 cổ phiếu HSV, tương đương 0,8% vốn điều lệ. Ông Hoàng hiện kiêm nhiệm chức danh trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp tại CTCP Chứng khoán Phú Hưng.

Công ty đang kinh doanh ra sao?

5 triệu cổ phiếu của một công ty gang thép sắp chào sàn HNX - Ảnh 1.

(Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Công bố thông tin của Gang thép Hà Nội).


Về tình hình kinh doanh, doanh thu thương mại buôn bán sắt thép phế liệu đạt 200 - 300 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020.

Do đặc thù kinh kinh doanh, chi phí nguyên vật liệu luôn là chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của công ty, ở ngưỡng 97 - 98%. Giai đoạn ba năm 2018 - 2020, chi phí giá vốn năm sau cao hơn năm trước, biến động cùng chiều với doanh thu.

Năm 2019 đánh dấu mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc của Gang thép Hà Nội, lãi sau thuế đạt 3,1 tỷ đồng từ mức 65 triệu đồng năm 2018.

Kết thúc năm 2020, công ty ghi nhận doanh thu tăng gần 30,6% lên 323 tỷ đồng. Do giá đầu vào liên tục tăng trong khi giá đầu ra bán cho các đối tác giữ ổn định theo hợp đồng, công ty báo lãi sau thuế giảm 20,6% còn gần 2,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, công ty có gần 77,4 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 9,18% so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là 41,8 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 21,5 tỷ đồng hàng tồn kho. Phía bên kia nguồn vốn, nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 21,7 tỷ đồng và không có nợ vay dài hạn.

Giai đoạn 2021 - 2022, Gang thép Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu lần lượt đạt 330 tỷ và 350 tỷ đồng. Lãi sau thuế tương ứng là 3,5 tỷ và 4,8 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5% và 37,14%.

Thu Thảo