|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp ngành dệt may đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 33% năm 2023

20:59 | 28/02/2023
Chia sẻ
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, Damsan lên kế hoạch doanh thu tăng 76% và lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với kết quả năm 2022.

CTCP Damsan (Mã: ADS) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.984 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 33% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

Doanh nghiệp lên kế hoạch sản suất 1.440 tấn sợi xe, 720 tấn khăn bông cao cấp và 1.200 tấn khăn tay bông thủ công. Về kinh doanh thương mại, Damsan đặt mục tiêu đạt 14.400 tấn bông thương mại và 12.000 tấn sợi cọc gia công.

Bên cạnh đó, mảng bất động sản đặt chỉ tiêu xây dựng 150 căn nhà ở thương mại trong năm 2023.

 Nguồn: Damsan.

Ngoài ra, Damsan dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vào ngày 15/4, tại TP Thái Bình. Ngày đăng ký cuối cùng để tham dự ĐHĐCĐ là ngày 21/3, mỗi cổ phiếu tương ứng với một quyền biểu quyết.

Chất xúc tác cho sự phục hồi từ việc Trung Quốc mở cửa

Báo báo Chiến lược năm 2023 của SSI Research cho biết áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức ngành dệt may. 

Đơn vị nghiên cứu nhận định tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn.

Dữ liệu từ Hoa Kỳ cho thấy mức tồn kho cao trong toàn ngành dự kiến sẽ kéo dài đến quý II/2023. Các nhà bán lẻ lớn đã tiến hành giảm lượng hàng tồn kho và dự báo lượng đơn đặt hàng sẽ bắt đầu tăng tốc trở lại trong quý III/2023. Song, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận theo năm vẫn không chắc chắn ở nửa cuối năm 2023.

Còn theo dự báo của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester năm 2023 sẽ giảm 1 - 3% so với cùng kỳ do nhu cầu giảm, kèm theo đó là giá dầu và giá bông chững lại.

Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sẽ giúp cho ngành sợi có xu hướng phục hồi. Bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu. Chứng khoán VNDirect cho rằng các nhà sản xuất sợi có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như Damsan sẽ được hưởng lợi.

 

Năm 2022, Damsan ghi nhận doanh thu thuần 1.693 tỷ đồng, lãi ròng gần 62 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và giảm 4% so với năm trước.

So với kế hoạch 2.223 tỷ đồng doanh thu thuần và 121 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022, công ty chỉ thực hiện được 76% mục tiêu doanh thu và 68% chỉ tiêu lợi nhuận với 83 tỷ đồng

Cuối năm 2022, Damsan có tổng tài sản 2.210 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Chỉ tiêu chiếm tỷ trọng chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn với 863 tỷ đồng và hàng tồn kho ở mức 449 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Doanh nghiệp nắm giữ 342 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng.

Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp vào cuối năm 2022 là 1.558 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính gần 764 tỷ đồng (hầu hết là nợ vay ngắn hạn) chiếm đến gần 50% tổng nợ phải trả.

Vốn chủ sở hữu công ty tại cuối quý IV/2022 ở mức 652 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,4 lần.

Đăng Nguyên