|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một công ty thuộc Vingroup muốn huy động 20 triệu USD để mở rộng thị trường

11:17 | 16/02/2024
Chia sẻ
Từ khi thành lập đến nay, VinCSS đã nhận 17 triệu USD tiền đầu tư từ Vingroup.

Thông tin từ DealStreetAsia cho hay VinCSS, công ty an ninh mạng thuộc sở hữu tập đoàn Vingroup đặt mục tiêu hoàn thành vòng cấp vốn Series B trị giá 20 triệu USD vào tháng 10 năm nay.

Công ty đang đàm phán với 7 nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm Singtel Innov8, Gobi Partners, Kvision, Google, MonteCristo Capital AG, SWC Global, Bright Pixel và Boulevard Capital Partners.

“VinCSS đang thảo luận vấn đề này với hai nhà đầu tư tiềm năng khác. Chúng tôi đã ký NDA (thoả thuận bảo mật) và đang bắt đầu quá trình thẩm định”, ông Hải Nguyễn, Giám đốc huy động vốn của VinCSS, nói với DealStreetAsia.

Vòng gọi vốn được coi là nguồn huy động đầu tư bên ngoài đầu tiên của VinCSS, nhằm mục đích hỗ trợ cho việc mở rộng tại thị trường châu Âu. 

 Gian hàng VinCSS tại sự kiện FIDO Seminar lần thứ 9 tại Nhật Bản năm 2022. (Ảnh: VinCSS).

Ông Hải cho biết 20% số tiền thu về sẽ đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), 50% vào tiếp thị để tăng gấp đôi doanh thu hàng năm trong ba năm tới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tuyển dụng nhân tài, 30% còn lại dùng vào các thương vụ M&A tiềm năng đối với các doanh nghiệp an ninh mạng ở các thị trường khác.

Được thành lập từ năm 2018, VinCSS là công ty con của tập đoàn Vingroup, có Giám đốc điều hành ông Đỗ Ngọc Duy Trác là một trong những thành viên sáng lập. 

Đến nay VinCSS đã có các sản phẩm trong các lĩnh vực như: An ninh bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin, quản lý định danh và truy cập, an ninh bảo mật IoT trong chuỗi cung ứng và logistics, cùng với giải pháp đảm bảo an ninh bảo mật cho ô tô thông minh.

Vingroup cho biết sẵn sàng giảm tỷ lệ sở hữu tại VinCSS, tùy thuộc vào các cuộc thảo luận đang diễn ra với các nhà đầu tư. Theo tiết lộ, kể từ khi được thành lập, tập đoàn của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã đầu tư 17 triệu USD vào VinCSS.

VinCSS đang lên kế hoạch cho chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế, trong đó bước đầu là tương tác với các kênh B2C (doanh nghiệp với khách hàng - business to consumer) của các nhà phân phối địa phương để thiết lập nhận diện thương hiệu các sản phẩm và giải pháp của mình. 

Theo ông Hải, trong giai đoạn đầu, công ty đặt mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách tập trung bán hàng B2B cho các tập đoàn lớn.

Tháng 9 năm ngoái, trả lời trên tờ Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Duy Trác cho biết: "Sau gần 5 năm khởi nghiệp, VinCSS hiện tiến rất nhanh tới điểm hòa vốn và chính thức bước vào Series B với mục tiêu mở rộng, chinh phục thị trường khu vực và quốc tế. 

Với bề dày kinh nghiệm, sức trẻ dồi dào và năng lực xuất sắc của mình trong lĩnh vực gọi vốn, sự tham gia của ông Hải Nguyễn vào đội ngũ lãnh đạo cao cấp sẽ kiện toàn năng lực, giúp chúng tôi sẵn sàng và tự tin để hoàn thành vòng gọi vốn Series B trong năm 2024 và chuẩn bị cho các bước đi tiếp theo sau đó của VinCSS".

Dữ liệu từ Statista, doanh thu thị trường an ninh mạng của Việt Nam dự kiến đạt 311,8 triệu USD vào năm 2024 và tăng lên 565 triệu USD vào năm 2028, tăng trưởng với tốc độ hàng năm hơn 16%.

Thị trường an ninh mạng khu vực Đông Nam Á bắt đầu sôi động từ năm ngoái. Tháng 10/2023, tập đoàn viễn thông Singapore Singtel đã đồng ý bán toàn bộ cổ phần sở hữu trong Trustwave Holdings - một công ty chuyên cung cấp giải pháp an ninh mạng, cho MC2 Titanium LLC với giá 205 triệu USD.

Tháng 8 cùng năm, công ty dẫn đầu về an ninh mạng toàn cầu Bitdefender đã mua lại Horangi Cyber Security có trụ sở tại Singapore trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về các giải pháp tiên tiến cũng như quản lý tuân thủ và quản trị trong môi trường đám mây.

Đầu năm nay, công ty an ninh mạng Blackpanda có trụ sở tại Singapore đã huy động được 15 triệu USD trong vòng Series A do Primavera Venture Partners và Gaw Capital Partners dẫn đầu. Trong khi đó, PingSafe thông báo huy động được 3,3 triệu USD trong vòng cấp vốn hạt giống do Surge dẫn dắt vào tháng 7 năm ngoái.

Đức Huy