|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một cổ phiếu ngân hàng bị bán ròng đột biến gần 2.700 tỷ đồng tuần VN-Index lấy lại mốc 1.290 điểm

08:05 | 29/09/2024
Chia sẻ
Trong tuần qua, cổ phiếu VIB bị xả ròng mạnh nhất với giá trị gần 2.664 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 148 triệu đơn vị.

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch cuối tháng 9 tại 1.290,92 điểm, tăng 18,88 điểm, tương đương 1,48% so với tuần trước đó. Như vậy, sau chuỗi phiên hồi phục, VN-Index một lần nữa quay lại thăm dò ngưỡng kháng cự quanh 1.290 – 1.300 điểm.

Thanh khoản tiếp tục cải thiện với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 21.498 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 18.075 tỷ đồng, tăng 20,4% so với tuần trước và cao hơn 20,2% so với trung bình 5 tuần gần nhất. Lực mua/bán chủ động cùng cao hơn so với tuần trước, nhưng mua chủ động vẫn chiếm ưu thế so với bán chủ động.

Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng góp phần kéo đà tăng của các chỉ số. Thống kê chỉ ra 10 mã ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường chứng khoán tuần qua đều là các đại diện đến từ nhóm ngân hàng. Trong đó, VCB dẫn đầu với mức đóng góp 2,61 điểm, VPB ở vị trí thứ 2 với mức tác động gần 1,55 điểm. Ở phía đối diện, không có cổ phiếu nào có tác động quá đáng kể.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong tuần vừa qua, NĐT nước ngoài đảo chiều bán ròng gần 482 tỷ đồng trên HOSE. Tuy nhiên, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng gần 1.988 tỷ đồng.

Bên chiều bán ròng, cổ phiếu VIB bị xả ròng với giá trị gần 2.664 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 148 triệu đơn vị. Giao dịch này được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Với gần 2,98 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng phiên 24/9 chiếm gần 4,97% vốn cổ phần Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Như vậy, nếu không tính giao dịch đột biến mã VIB, NĐT ngoại đã mua ròng gần 2.200 tỷ đồng các cổ phiếu khác trong tuần cuối tháng 9.

Trước đó, trong phiên họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 diễn ra ngày 11/6, cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài xuống 4,99%.

Đứng thứ hai trong danh mục xả của khối ngoại là cổ phiếu VPB với 261 tỷ đồng. Một cổ phiếu ngành ngân hàng khác cũng có mặt trong top bán ròng là OCB với 46 tỷ đồng.

Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT nước ngoài bán ròng mạnh còn có HPG (211 tỷ đồng), VND (86 tỷ đồng), PVD (56 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUESSVFL (54 tỷ đồng), VRE (47 tỷ đồng), VCG (40 tỷ đồng) và HDG (39 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 216 tỷ đồng. Song song đó, TPB và VCI cũng được mua ròng lần lượt 205 tỷ và 184 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của HCM, TCB, FPT, SSI, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VHM, DXG với quy mô hơn 100 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng 4/5 phiên, và chỉ bán ròng duy nhất phiên cuối tuần (27/9). Tính chung cả tuần, nhà đầu tư tiếp tục gom ròng với giá trị 42,7 tỷ đồng với khối lượng gần 4 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu SHS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội dẫn đầu chiều mua với giá trị 55,7 tỷ đồng. Mã MBS cũng được gom ròng 29,2 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng giải ngân vào các mã VGS (12,8 tỷ đồng), CEO (8,9 tỷ đồng) và NTP (3,5 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, khối ngoại tiếp tục bán ròng 34,5 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Theo sau là IDC (23,8 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như VTZ (4 tỷ đồng), VC3 (2,4 tỷ đồng), DTD (2,1 tỷ đồng).

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 4/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 59,3 tỷ đồng với khối lượng hơn 2 triệu đơn vị.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 39 tỷ đồng cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan. Đứng thứ hai trong danh mục rút ròng là NTW với 31,3 tỷ đồng. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như LTG (7,6 tỷ đồng), GDA (7,6 tỷ đồng) và ACV (7,4 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng gần 44,2 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã VEA (2,8 tỷ đồng), CSI (1,7 tỷ đồng), KLB (1,2 tỷ đồng) và VRG (0,9 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo