|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chủ tịch VPBankS gợi ý 5 nhóm ngành đáng quan tâm cho chu kỳ tăng mới của TTCK

11:22 | 27/09/2024
Chia sẻ
Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định Việt Nam có thể đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế và TTCK. Một số nhóm ngành đáng chú ý giai đoạn tới như bất động sản, tiêu dùng, ngân hàng, công nghệ, vật liệu xây dựng.

TTCK có thể đang bước vào chu kỳ tăng mới

Tại số thứ hai của series The Investors, Chủ tịch VPBankS chia sẻ mỗi khi thị trường chứng khoán (TTCK) giảm mạnh, ông nghĩ rằng tương lai thị trường sẽ tăng mạnh hơn.

“Khi chứng khoán đi ngang và kém sôi động, tôi lại nghĩ rằng thị trường đang tích lũy và đi lên mạnh hơn. Tuy nhiên, sự lạc quan đó không phải vô căn cứ mà dựa trên niềm tin vào tiềm năng kinh tế và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam”, ông Vũ Hữu Điền nói.

Khi TTCK chỉ biến động quanh cột mốc nhất định và không thể hình thành một xu hướng tăng trong thời gian dài thường gây ra sự chán nản và áp lực cho cộng đồng nhà đầu tư.

Nhà đầu tư ngắn hạn gặp khó trong việc điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận, đặc biệt khi sử dụng đòn bẩy tài chính, tạo ra áp lực tài chính lớn. Các chuyên gia tư vấn tại các công ty chứng khoán đối mặt với sức ép khi dự báo thị trường không như mong đợi, việc quản lý kỳ vọng của nhà đầu tư trở nên khó khăn.

Nhà đầu tư tổ chức cảm thấy lo lắng khi giá trị tài sản ròng (NAV) không tăng trưởng một cách ổn định, đặc biệt khi so sánh với sự phát triển của các thị trường khác. Các tổ chức đầu tư và công ty quản lý quỹ cũng chịu áp lực từ kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ông Điền cho rằng TTCK luôn trải qua các chu kỳ phát triển như vậy, và những người có sự kiên nhẫn cùng kỹ năng quản trị rủi ro tốt vẫn có thể nắm bắt được cơ hội để kiếm lợi nhuận.

Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT VPBankS. (Ảnh chụp màn hình).

Hiện tại, nhìn vào dữ liệu từ đầu năm đến nay (gần cuối tháng 9), khối ngoại đã bán ròng gần 3 tỷ USD. Theo cựu Giám đốc Đầu tư và quản lý quỹ VEIL (thuộc Dragon Capital), đây là con số đáng kể so với quy mô thị trường và lớn nhất từ khi TTCK Việt Nam được thành lập vào năm 2000.

“Bất chấp sự bán ròng và biến động, TTCK vẫn ghi nhận tăng trưởng khoảng 10% từ đầu năm đến hiện tại là một mức không tệ. Điều này cho thấy nhà đầu tư Việt Nam rất giàu kinh nghiệm và bản lĩnh, họ biết chọn thời điểm tham gia khi thị trường giảm xuống mức hợp lý và tin tưởng vào triển vọng tương lai.

Áp lực lớn hiện nay đến từ yếu tố bên ngoài, như việc nước ngoài rút vốn ròng và việc Fed giữ lãi suất trên 5% tạo áp lực cho các thị trường mới nổi, bao gồm thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, được minh chứng qua các chỉ số như tăng trưởng GDP, FDI, PMI và nhiều chỉ số khác. Tất cả đều chỉ ra xu hướng phục hồi rõ ràng.

Tôi tin rằng chúng ta có thể đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế và cả TTCK Việt Nam”, ông Điền nói.

5 nhóm ngành đáng quan tâm

Với nhận định trên, vị chủ tịch đưa ra một số nhóm ngành nhà đầu tư cần chú ý cho thời gian tới.

Đầu tiên là bất động sản. Ngành này đã đối mặt với khó khăn trong nhiều năm và tiếp tục gặp thách thức hiện nay. Để thị trường bất động sản có thể phục hồi, theo ông cần có sự can thiệp của các cơ quan liên quan nhằm khơi thông nguồn cung cho các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn.

Với các giải pháp đồng bộ giúp tái khởi động các dự án và quá trình xây dựng, thị trường bất động sản được kỳ vọng có thể sẽ bắt đầu hồi phục trong năm tới. Tuy nhiên, sự phục hồi này phụ thuộc lớn vào việc các cơ quan, tổ chức liên quan hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, ngành hàng tiêu dùng dự kiến vẫn tăng trưởng bền vững nhưng tốc độ không còn mạnh như trước. Trong đó, ngành bán lẻ tận dụng quy mô thị trường và áp dụng công nghệ quản lý chuỗi cung ứng để củng cố thị trường, và còn dư địa lớn để mở rộng thị phần trong tương lai.

Ông Điền cũng quan tâm lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), trong đó chú trọng những công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng AI.

Thứ tư là ngân hàng, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế. Ngành này được dự báo sẽ bám sát theo đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu hiện nay đang ở mức cao, chỉ tiêu này đã hoặc sắp đạt đỉnh.

Ngoài ra, ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép. Thời gian qua ngành này không có sự đột phá do nhu cầu bất động sản yếu và giải ngân cơ sở hạ tầng thấp. Tuy nhiên, ông Điền cho rằng trong tương lai, khi việc giải ngân vốn đầu tư công tăng và thị trường bất động sản phục hồi, sản lượng của ngành sẽ tăng lên.

Xuân Nghĩa