|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao chứng khoán Việt Nam hút tiền yếu khi hàng tỷ USD đổ vào ASEAN và chưa thể hình thành ‘uptrend thế kỷ’?

08:20 | 24/09/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực sau thông tin Fed hạ lãi suất điều này, song dòng vốn ngoại trở lại vẫn đang yếu hơn đáng kể thị trường khác trong khu vực ASEAN.

Trong tuần qua (16 – 20/9), giới tài chính toàn cầu đón nhận một thông tin khá tích cực là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hạ lãi suất điều hành lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch COVID-19 với mức giảm 50 điểm cơ bản. Lãi suất tham chiếu hiện ở mức 4,75 - 5%.

Phản ứng với thông tin trên, thị trường chứng khoán toàn cầu được bao phủ sắc xanh, hầu hết tăng giá trên 1% như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Chứng khoán Việt Nam không phải ngoại lệ với mức tăng 1,62%, nâng tỷ lệ tăng điểm kể từ đầu năm lên gần 12,6%.

Hai thị trường khác ghi nhận tỷ lệ tăng cao hơn tuần qua là Nhật Bản (3,12%) và Philippines (3,27%), song hiệu suất kể từ đầu năm chênh lệch không đáng kể với VN-Index, lần lượt là 12,73% và 12,44%.

Nhiều tài sản cơ sở khác cũng tăng mạnh, kể đến như dầu thô WTI (tăng 4,76%), vàng (1,71%) và Bitcoin (4,92%). Giá vàng và chỉ số chứng khoán Mỹ neo cao trên đỉnh lịch sử.

Bối cảnh Fed hạ lãi suất điều hành không chỉ tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán mà còn thúc đẩy sự luân chuyển dòng vốn giữa các thị trường, vốn đã hình thành trước đó dựa trên sự kỳ vọng.

Diễn biến dòng vốn ngoại tại các thị trường chứng khoán trong tuần (16 - 20/9). Nguồn: VPBankS.

Theo thống kê từ Chứng khoán VPBank (VPBankS), dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào các thị trường châu Á trong tuần qua. Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trở lại Đài Loan với quy mô 1 tỷ USD. Hai thị trường khác được mua ròng với quy mô trên 100 triệu USD có Ấn Độ (333,1 triệu USD), Indonesia (308,9 triệu USD), Thái Lan (177,1 triệu USD).

Lũy kế từ đầu tháng 9, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 3,8 tỷ USD tại Ấn Độ, kế đến là Indonesia (1,85 tỷ USD). Việc chứng khoán Thái Lan hút ròng 920 triệu USD kể từ đầu tháng 9 đã thu hẹp quy mô bán ròng kể từ đầu năm xuống còn hơn 2,5 tỷ USD.

Không còn lạc lõng với xu hướng chung của các thị trường trong khối ASEAN như tuần trước đó, dòng tiền ngoại trở lại Việt Nam với giá trị mua ròng được VPBankS thống kê là 43,5 triệu USD. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp nhất trong khối, xếp sau Malaysia (50,7 triệu USD), Phippines (84,5 triệu USD).

Nếu tính từ đầu tháng 9, chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng bán ròng trong khi các thị trường vừa nêu trên đã hút ròng hàng trăm triệu USD, đột biến phải kể đến Indonesia. Thị trường chứng khoán xứ vạn đảo được khối ngoại giải ngân hơn 4,1 tỷ USD từ đầu quý III, trở thành tâm điểm của chứng khoán châu Á.

Bình luận về việc dòng tiền ngoại trở lại chứng khoán Việt Nam vẫn đang yếu hơn các thị trường khác trong khu vực, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số của VPBankS chia sẻ quan điểm trong chương trình Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng phát sóng ngày 23/9.

Theo ông Đức, hai năm vừa qua không có nhiều câu chuyện, lợi nhuận doanh nghiệp đi ngang, định giá không rẻ. Sự chuyển hướng kinh tế của Việt Nam cũng không bằng các quốc gia khác. Xu thế hiện nay là chuyển đổi số, doanh nghiệp nào nắm bắt được và chuyển đổi thì được hưởng lợi, FPT là một ví dụ.

Ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số của VPBankS. Ảnh CMH.

Thời gian tới, câu chuyện nâng hạng, lợi nhuận doanh nghiệp, kinh tế Mỹ không suy thoái thì dòng tiền trở lại thị trường Việt Nam. Trong ngắn hạn thị trường đi kèm với lợi nhuận doanh nghiệp, lợi nhuận doanh nghiệp không tăng thì thị trường không thể tăng được. Trong dài hạn, thị trường đi kèm với định giá. Một sóng lớn bao giờ đi từ P/E 10 lần và kết thúc khoảng 17 lần. Để thị trường tăng được thì lợi nhuận doanh nghiệp phải đi lên và định giá rẻ hơn một chút, đại diện từ VPBankS đưa quan điểm.

“Đà bán ròng của khối ngoại đang giảm. Thực ra, khối ngoại giờ chỉ đóng góp 7 – 8% giao dịch, nên chỉ cần họ ngừng bán ròng là được. Phần còn lại sẽ do dòng tiền trong nước dẫn dắt. Lãi suất OMO còn hạ thêm 200 điểm cơ bản nữa thì kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản sẽ nổi lên. Đó là động lực của dòng tiền trong nước”.

Phân tích về diễn biến hiện tại, chuyên gia từ VPBankS cho rằng, thị trường hiện nay đang có nhiều câu chuyện như Fed hạ lãi suất, Trung Quốc giảm suy thoái, nâng hạng thị trường… Ngoài ra, còn câu chuyện chu kỳ, tháng 11 đến tháng 4 hàng năm là thời kỳ tăng mạnh nhất của chứng khoán thế giới, chứng khoán Việt Nam diễn biến tương tự.

Khả năng vượt kháng cự 1.300 điểm của VN-Index trong năm nay được phần đông nhà phân tích dự báo, nhưng khả năng đi xa hơn vẫn còn là dấu hỏi. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức nói, “tôi nhìn thị trường không có quá nhiều thông tin tích cực để vượt đỉnh nên cho đến hết năm nay có thể chỉ nằm trong khoảng 1.305 – 1.320 điểm, nếu có vượt cũng chỉ vượt một chút”.

Ngay cả thị trường vừa đón nhận tin tốt là Fed hạ lãi suất như vừa nêu, chuyên gia từ VPBankS vẫn cho rằng câu chuyện trên cần 6 tháng đến 1 năm mới phản ánh được hoàn toàn vào thị trường. Cho nên, kịch bản được dự báo là VN-Index lình xình trong 3 đến 6 tháng và chưa thể có “uptrend thế kỷ” ngay lúc này.

Hoàng Linh