|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Moody’s: Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh

23:16 | 03/04/2018
Chia sẻ
Trong báo cáo mới nhất, Bộ phận nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định rằng xu hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam sẽ còn tiếp tục, nhờ sức cạnh tranh cải thiện và các cải cách. 

Mức xếp hạng tín nhiệm “B1” với triển vọng tích cực của Việt Nam thể hiện xu hướng tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, nhờ sức cạnh tranh tăng và sự chuyển hóa kinh tế nhanh chóng, từ bỏ các ngành truyền thống như nông nghiệp sang chế biến, chế tạo, đưa tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 33,3% GDP.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đạt tiến bộ trong việc cải thiện chuỗi giá trị gia tăng trong thời gian ngắn, từ bỏ dần việc xuất khẩu các hàng hóa thâm dụng lao động như may mặc sang các sản phẩm điện tử có giá trị giá tăng cao hơn.

moodys viet nam se duy tri xu huong tang truong manh
Moody's đánh giá cao việc chuyển hướng sang xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam. Ảnh: Lương Thái Linh/Bloomberg

“Chính các xu hướng này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định mức độ và tốc độ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo viết.

Moody’s kỳ vọng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh vẫn tiếp tục giúp đa dạng hóa kinh tế Việt Nam và tăng cường sức tăng trưởng so với các nước có cùng mức xếp hạng, qua đó giúp ổn định tình hình nợ công.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ, đạt trung bình 6,7% trong năm 2018 và giảm nhẹ xuống 6,5% năm 2019 do tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc. Mức tăng trưởng này gần gấp đôi tốc độ trung bình 3,6% của các nước có cùng xếp hạng B.

Tốc độ tăng trưởng cao sẽ còn được duy trì nhờ sức tiêu dùng trong nước (thể hiện qua tăng trưởng tín dụng mạnh) và tăng trưởng đầu tư (nhờ chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng). Tuy vậy, Moody’s cảnh báo rằng tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ tạo thêm rủi ro cho ngành ngân hàng.

Hãng này cho rằng, mức nợ công cao và thâm hụt ngân sách tăng của Việt Nam là một rào cản đối với khả năng nâng định hạng tín nhiệm.

Khi Việt Nam tốt nghiệp chương trình vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, khả năng vay thêm nợ cũng bị suy giảm thêm. Tuy nhiên, việc hạn chế vay nợ bằng ngoại tệ cho thấy thị trường tài chính trong nước phát triển hơn, giúp giảm bớt những rủi ro về tái cấp vốn.

Báo cáo của Moody’s cũng ghi chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ đã và đang được đẩy mạnh với những thương vụ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Minh Anh