Cơ cấu lại nền kinh kế: Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp khó hoàn thành
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH |
Sáng ngày 15/10, sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020…
Mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp
Trình bày báo cáo thẩm tra về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, trong 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách Nhà nước (NSNN) và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường tài chính đạt kết quả khả quan.
Cụ thể, có 41% chỉ tiêu dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Song nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại DN Nhà nước (NN), phát triển DN và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.
“Mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển DN vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng DN chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.
Đáng lưu ý, đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 DN theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Kế hoạch sử dụng vốn từ thoái vốn tại DNNN chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế.
Ngoài ra, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam chưa được thu hẹp so với khu vực ASEAN-4, vẫn duy trì mức chênh lệch khoảng 1-2 điểm %.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá, việc giữ ổn định được mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là một thành công trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong và ngoài nước.
Khó “hút” nhà đầu tư tư nhân tham gia xử ngân hàng yếu kém
Đi cụ thể vào các nhiệm vụ trọng tâm, theo Ủy ban Kinh tế, từ năm 2016, mục tiêu hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực (đầu tư công, DNNN và các TCTD) trước năm 2019 có thể khó đạt được.
Đối với cơ cấu lại đầu tư công, những hạn chế liên quan đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn không đúng tiến độ, vượt dự toán sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch vay, trả nợ công đến năm 2020.
Kết quả thực hiện cơ cấu lại DNNN mới chỉ là bước đầu,đòi hỏi cần tiếp tục quan tâm thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và phát triển DN sau cổ phần hóa.
Thực hiện cơ cấu lại các TCTD còn khó khăn trong thu hút nhà đầu tư tư nhân để tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém; còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Còn cơ cấu lại NSNN, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện tương đối đầy đủ các kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương NSNN.
Theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần làm rõ hơn thực trạng phân bổ, sử dụng ngân sách theo lãnh thổ và cấp quản lý, việc cơ cấu lại chi thường xuyên gắn với kết quả đổi mới khu vực sự nghiệp công lập để phản ánh toàn diện hơn việc cơ cấu lại NSNN của nước ta.
Một số ý kiến còn đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn nội dung “đổi mới phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế theo hướng xây dựng Nhà nước quản lý và phục vụ, thực hiện toàn diện chính quyền điện tử”.
"Đây là một quan điểm quan trọng về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 và cũng là nội dung của thông điệp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả” của Chính phủ. Tuy nhiên, xếp hạng về Chính phủ điện tử của nước ta hiện chỉ ở vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines".
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, chuyển dịch cơ cấu ngành, vùng kinh tế nhìn chung đã theo đúng định hướng đề ra. Song vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt.
“Một số ngành tuy đóng góp lớn vào xuất khẩu nhưng chiếm tỷ trọng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và có nguy cơ bị thay thế hoặc dễ bị tác động bởi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới sơ khai
Trong khi đó, việc hình thành đồng bộ và phát triển thị trường yếu tố sản xuất mới đạt kết quả bước đầu. Thị trường trái phiếu DN vẫn ở mức sơ khai, quy mô nhỏ. Thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, mất cân đối cung cầu lao động cả về trình độ tay nghề, ngành nghề kinh tế và địa phương.
Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều rào cản cho tập trung và tích tụ ruộng đất. Diện tích đất nông nghiệp trung bình chỉ đạt 0,18 ha/thửa.
Quy mô thị trường khoa học và công nghệ còn nhỏ, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ, nghiên cứu và phát triển của DN nước ta chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giai đoạn 2019 -2020, bên cạnh tán thành với quan điểm của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đề nghị, tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về hình thành đồng bộ và phát triển các thị trường yếu tố sản xuất; cơ cấu lại ngành, vùng kinh tế; đổi mới phương thức quản lý, điều hành kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường; và bảo đảm hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm trước năm 2020.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, trong năm 2019, triển khai áp dụng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở tham khảo thông lệ tốt của thế giới, nâng cao chất lượng công tác thống kê; bao gồm cả việc đánh giá tổng thể nền kinh tế và đánh giá cho từng ngành, lĩnh vực trọng tâm cơ cấu lại…
Xem thêm |