Món nợ trái phiếu hơn 4.000 tỷ kéo lợi nhuận Hải Phát Invest giảm sâu
CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2022 với doanh thu thuần (chủ yếu là doanh thu kinh doanh bất động sản) đạt hơn 525 tỷ đồng, tăng 6% và LNST đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm gần 84% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, LNST của cổ đông công ty mẹ gần 11 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hải Phát Invest, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do điều chỉnh lợi nhuận hợp nhất công ty liên kết. Trên báo cáo tài chính, ngoài chi phí tài chính tăng vọt, Hải Phát cũng ghi nhận cổ tức "âm 70 tỷ đồng" khiến doanh thu tài chính âm 65 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 92 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Hải Phát Invest ghi nhận hơn 581 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% và LNST đạt gần 33 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tối thiểu đạt 2.700 tỷ đồng và LNST hợp nhất tối thiểu đạt 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 94% và 37% so với kết quả thực hiện năm 2021. Như vậy, đã hết nửa năm, công ty vẫn còn cách rất xa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Tổng tài sản của Hải Phát Invest tính đến ngày 30/6 hơn 10.085 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ so với đầu năm. Chủ yếu do tăng khoản phải thu dài hạn từ gần 563 tỷ lên gần 1.318 tỷ (hợp đồng hợp tác đầu tư với đối tác).
Các khoản phải thu ngắn hạn khác 1.396 tỷ đồng. Doanh nghiệp không tiết lộ các đối tác đang hợp tác kinh doanh với công ty.
Hàng tồn kho ghi nhận tăng từ hơn 3.798 tỷ lên hơn 4.079 tỷ, chủ yếu tăng tăng các bất động sản để bán đã hoàn thành. Tính đến 30/6, Hải Phát đã ghi nhận 312 tỷ đồng tiền trả trước của người mua, tăng mạnh so với 28 tỷ đồng cùng kỳ nhưng vẫn nhỏ so với quy mô các dự án của Công ty.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khoản bất động sản đầu tư gần 991 tỷ đồng và hơn 98 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu tại các dự án như Tân Tây Đô, dự án Đồng Quang, dự án Bình An – Cần Thơ, dự án Tây Nam An Khánh,…
Hải Phát Invest cũng đang ghi nhận khoản đặt cọc 334 tỷ đồng cho một đối tác để đầu tư vào dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến, Mũi Né, Bình Thuận.
Lượng tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngày 30/6 ghi nhận mức 624 tỷ đồng.
64% nợ là trái phiếu, 1.050 tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn
Tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest tại thời điểm 30/6/2022 gần 6.540 tỷ đồng, tăng gần 488 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu tăng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong đó, tổng nợ vay tại các ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 5.300 tỷ đồng. Riêng khoản vay trái phiếu dài hạn và một số trái phiếu sắp đến hạn trả chiếm hơn 4.195 tỷ đồng, tăng 8,6% so với thời điểm đầu năm (hơn 3.860 tỷ đồng). Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn từ nay đến cuối năm 2022 của doanh nghiệp này khoảng 1.050 tỷ đồng.
Theo thuyết minh tại BCTC hợp nhất quý II, ngoại trừ khoản vay hơn 100 tỷ từ cá nhân chịu lãi suất 15%/năm, các khoản vay trái phiếu của Hải Phát Invest chịu lãi suất dao động khoảng 10,5 - 11%,5/năm. Kỳ hạn trả lãi 3 – 6 tháng/lần. Riêng lô trái phiếu giá trị 450 tỷ đồng đáo hạn trong tháng 12 năm nay, Hải Phát Invest cho biết đã có văn bản thỏa thuận thời gian đáo hạn đến ngày 24/12/2023.
Với việc huy động trái phiếu rầm rộ từ năm ngoái đến nay, Hải Phát đang phải chịu mức lãi suất tăng vọt so với cùng kỳ năm trước. Con số 197 tỷ đồng hạch toán vào báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay, con số lãi thực tế doanh nghiệp phải trả là 251 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận Hải Phát giảm sâu.
Doanh nghiệp này cũng đang cho thấy mất cân đối dòng tiền khi dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm gần 621 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 1.550 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 332 tỷ đồng. Công ty phải cân đối bằng dòng tiền vay 611 tỷ đồng nhưng dòng tiền thuần vẫn âm 341 tỷ dồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPX đang được giao dịch quanh mức 26.000 đồng/cp. Kết phiên ngày 1/8, cổ phiếu HPX đi ngang tại giá 26.200 đồng.