|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỗi tháng có khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý tại các TCTD

12:20 | 14/10/2021
Chia sẻ
Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, có khoảng 677.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tương đương khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng, phần lớn đều do các tổ chức tín dụng tự xử lý.
Mỗi tháng có khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý bởi các TCTD - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính).

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,73%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết 42. 

Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu tăng 2,8% so với cuối năm 2020 và có số dư 384.960 tỷ đồng, chiếm 3,66% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.

Nếu tính thêm các khoản nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020 (đã sửa đổi, bổ sung) có nguy cơ chuyển thành nợ xấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Tính từ cuối năm 2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 677.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, tương đương khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mỗi tháng.

Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 554.600 tỷ đồng (chiếm 81,92%); nợ xấu bán cho VAMC là 110.300 tỷ đồng (chiếm 16,29%); nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 12.100 tỷ đồng (chiếm 1,79%).

Riêng từ 30/6/2020 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 188.700 tỷ đồng nợ xấu nội bảng.

Mỗi tháng có khoảng 16.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý bởi các TCTD - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống đến 30/6/2021 là 425.500 tỷ đồng , giảm 3,4% so với cuối năm 2020. Lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 354.600 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. 

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 183.000 tỷ đồng (chiếm 51,61%); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 93.500 tỷ đồng (chiếm 26,37%); xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) là 78.100 tỷ đồng (chiếm 22,02%).

Tính riêng từ 30/6/2020 đến thời điểm 30/6/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 55.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Về tính hiệu quả, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/6/2021 đạt trung bình khoảng 5.950 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức 2.430 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3.520 tỷ đồng/tháng).

Trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao. 

Từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 136.500 tỷ đồng (chiếm 38,51% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực. 

Tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 - 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%.

Kiến nghị ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu

Chính phủ cho rằng Nghị quyết 42 thực sự đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, gây tác động tiêu cực đến thu nhập của các cá nhân, hộ gia đình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Với mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới, Chính phủ đã có một kiến nghị về việc sửa đổi Nghị quyết 42.

Theo đó, Nghị quyết 42 là nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách tại Nghị quyết số 42. 

"Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC, cũng như quá trình tái cơ cấu TCTD đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 nêu trên", báo cáo của Chính phủ nêu.

Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét việc nghiên cứu để luật hóa các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42 theo hướng ban hành một luật riêng quy định về xử lý nợ xấu trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn như sửa đổi quy định về việc thu giữ TSBĐ theo hướng TCTD có quyền thu giữ TSBĐ cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định áp dung thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại tòa án; quy định về việc hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Lê Huy