|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mỏi mắt tìm mua căn hộ vừa túi tiền tại Hà Nội

07:00 | 11/10/2019
Chia sẻ
Căn hộ có giá khoảng 1 tỉ đồng đang trở thành 'hàng hiếm' tại Hà Nội khiến nhiều người trẻ gặp khó khi tìm mua. Cung ít, cầu nhiều nhưng phân khúc căn hộ vừa túi tiền lại đang rất khó thu hút các chủ đầu tư.
ha_noi_uxoz

Giá nhà, đất ở nhiều thành phố lớn đang làm khó người trẻ. (Ảnh minh họa: News Zing)

Căn hộ vừa túi tiền cung không đủ cầu?

Thị trường bất động sản (BĐS) có xu hướng đi lên từ khoảng cuối 2013, khi đó thị trường phải nhờ tới những dự án giá rẻ "làm mồi nhử" cho sự phục hồi. Thời điểm đó, các dự án căn hộ cao cấp khá "im ắng". Tuy nhiên, đến nay, phân khúc trung và cao cấp đang trở lại đường đua.

Theo phân tích của giới chuyên môn, dù nguồn cung căn hộ ở TP Hà Nội và TP HCM đã tăng khá mạnh, nhưng thị trường đang chứng kiến một nghịch lí vừa thiếu, vừa thừa. Thiếu là thiếu các dự án được đầu tư bài bản, có vị trí tốt và giá thành hợp lí.

Thực tế, căn hộ vừa túi tiền (trên dưới 1 tỉ đồng) là phân khúc căn hộ được đại đa số người mua quan tâm hiện nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quĩ đất ở trung tâm ngày càng khan hiếm, việc các doanh nghiệp địa ốc ráo riết săn tìm quĩ đất sạch khu vực trung tâm để làm dự án là điều không hề dễ dàng. Do vậy, nguồn cung căn hộ có mức giá tầm trung, giá 20 triệu đồng/m2 trở lại, có vị trí tốt dường như đang trở thành "hàng hiếm".

Những năm gần đây, thị trường căn hộ giá trung bình từ 1,5 tỉ đồng trở lại vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu. Hiện tại, mặt bằng giá căn hộ thấp nhất hiện nay cũng phải từ 1,3 tỉ đồng trở lên, không kể giá căn hộ đang có xu hướng tăng. Những căn có giá khoảng 1 tỉ thì cũng ở khu vực khá xa trung tâm. 

Tại Hà Nội hiện nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay những dự án có giá bán căn hộ trên dưới 1 tỉ đồng đã đang chào bán hoặc mới bàn giao nhà. Chẳng hạn như Dự án Mipec City View (Kiến Hưng, Hà Đông), Dự án Hà Nội Homeland (Long Biên), Dự án Eurowindow River Park (Đông Anh) hay Dự án khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông). 

Tại Dự án khu đô thị Thanh Hà của Tập đoàn Mường Thanh có giá dao động chỉ từ 10,5 - 12,5 triệu đồng/m2 nhưng gần như đã bán cháy hàng. Ngay trong ngày mở bán đầu tiên (26/9/2018) đã có tới 1.500/2.000 căn được bán.

Trên thực tế, nếu xét về tổng nguồn cung so với nhu cầu về nhà ở, thậm chí là cả nhu cầu có khả năng thanh toán, chi trả thì cung bất động sản tại Hà Nội vẫn thiếu.

Kết hôn cách đây 3 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Xuân (tạm trú ở Giảng Võ, Hà Nội) vẫn đang ở trọ trong một căn phòng nhỏ gần khu vực hồ Giảng Võ. Chị Xuân cho biết, mặc dù chưa sinh con, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng trên 20 triệu đồng/tháng nhưng cũng không biết bao giờ mới mua được nhà ở Hà Nội.

"Vợ chồng tôi cũng có một khoản tiết kiệm nhưng nếu mua nhà thì vẫn phải vay kha khá. Dù đã nhờ rất nhiều bạn bè thân quen tìm hiểu giúp, thế nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa tìm được căn hộ nào có giá khoảng trên dưới 1 tỉ đồng. Mức giá này cũng có nhưng lại ở xa trung tâm, không tiện cho công việc của vợ chồng tôi", chị Xuân tâm sự.

Chị cho biết thêm, một số căn hộ mà vợ chồng chị xem năm ngoái (thuộc khu vực đường Phạm Văn Đồng) có giá khoảng 1,6 tỉ đồng thì nay đã tăng lên mức 1,8 tỉ đồng.

"Không chỉ riêng trường hợp nhà tôi mà có tới 90% bạn bè đồng nghiệp ở lứa tuổi của tôi hiện nay đều chưa thể mua được nhà Hà Nội", chị Xuân nói.

Cuộc sống ở trọ khá bất tiện và chật hẹp, chị Xuân cho biết vợ chồng chị vẫn không muốn vay thêm tiền ngân hàng để mua nhà vì dù chỉ vay vài trăm triệu nhưng hàng tháng cũng phải trả một khoản lãi không nhỏ.

"Giá nhà ở Hà Nội quá cao, không kể mỗi năm còn tăng thêm, thu nhập của vợ chồng tôi không theo kịp nên mỗi khi bàn đến chuyện mua nhà, ai cũng chỉ biết thở dài", chị Xuân chia sẻ.

Bỏ Hà Nội vì "ám ảnh" chuyện mua nhà

Theo Urban Institute, tại Mỹ, số lượng thanh niên thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) ở khoảng 25 - 34 tuổi sở hữu nhà thấp hơn nhiều so với thế hệ X (sinh năm 1960 -1980) khi có cùng độ tuổi.

Một trong những nguyên nhân chính là do giá nhà đất ở các thành phố lớn rất đắt đỏ và không ngừng tăng lên. Trong khi đó, nhiều người còn phải vật lộn để trả các khoản nợ sinh viên. 

Thực trạng này dường như cũng đang hiện hữu tại Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (Xuân Hòa – Vĩnh Phúc) chia sẻ, mặc dù mới kết hôn được 4 năm nhưng vợ chồng chị đã từ bỏ giấc mơ mua nhà ở Hà Nội từ lâu.

Chị Hòa hiện đang làm giảng viên đại học tại một trường ở Vĩnh Phúc. Chị cho biết, ban đầu vợ chồng chị thuê một căn nhà 4 tầng tại Cổ Nhuế (Hà Nội) để ở nhưng từ khi có con nhỏ, chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt nên vợ chồng chị đã quyết định chuyển hẳn về Vĩnh Phúc ở để giảm bớt gánh nặng tiền thuê nhà.

"Do có con nhỏ nên vợ chồng tôi thuê liền hai phòng thuộc khu tập thể giành cho cán bộ giảng viên để ở với giá 400.000 đồng/phòng/tháng. May mắn là chồng tôi làm việc ở gần sân bay Nội Bài nên việc di chuyển cũng không quá khó khăn. Tiền thuê nhà khá rẻ cộng với chi phí sinh hoạt không quá đắt đỏ nên vợ chồng tôi quyết định dành dụm tiền để mua ô tô chứ không mua nhà ở Hà Nội nữa", chị Hòa cho biết.

Chia sẻ về quyết định lạ lẫm, chị Hòa cho biết, do không tìm được căn hộ nào có mức giá ưng ý khoảng trên dưới 1 tỉ đồng ở khu vực trung tâm, nỗi ám ảnh mang tên "mua nhà" đã khiến vợ chồng chị có cảm giác "sợ hãi" khi sống ở Hà Nội. Chưa kể, số tiền tích góp được cũng chỉ đủ lo cho con cái ăn học. 

"Trước mắt, việc mua ô tô là để chồng tôi đi làm đỡ vất vả. Sau này nếu có điều kiện sẽ tính chuyện mua nhà sau", chị Hòa nói.

Trong khi TP HCM đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn cung căn hộ bình dân thì tại Hà Nội, theo số liệu thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung phân khúc trung cấp và bình dân chiếm tuyệt đại đa số. Vậy căn hộ vừa túi tiền cho người trẻ đang ở đâu trong rổ hàng này? Phải chăng nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực?

Đơn cử, hiện nay, có rất nhiều dự án tầm trung có qui mô từ vài trăm căn, mỗi căn có diện tích dao động từ 50 – 100 m2. Tuy nhiên, mỗi m2 thường có giá từ 25 triệu đồng trở lên nên một căn nhỏ nhất ở đây cũng đã có giá 1,3 tỉ đồng.

Với mức giá trên, nhiều người trẻ đang phải chật vật để sở hữu một căn hộ chứ chưa nói đến chuyện mua đất xây nhà.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, những người trẻ với thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng mà không có một khoản tích lũy kha khá từ trước thì không nên "liều" vay ngân hàng mua nhà. Bởi vì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí phải trả hàng tháng thì số tiền còn lại sẽ rất khó để trang trải cho cuộc sống.

Thay vào đó, người trẻ cần lên kế hoạch mua nhà từ sớm và kế hoạch này phải bao gồm khoản tiết kiệm cho khoản thanh toán đầu tiên. Ngoài ra, cần xem xét giảm chi tiêu mỗi ngày và phải có chiến lược cũng như tính toán cụ thể để không rơi vào khủng hoảng nợ nần vì mua nhà.

Theo khảo sát của CBRE, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Hà Nội ghi nhận 17.700 căn mở bán mới - đây là một trong những giai đoạn nửa đầu năm có nhiều nguồn cung mới nhất. Trong đó, quí 2/2019 ghi nhận mở bán 6.400 căn. Nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân chiếm tuyệt đại đa số, trong khi phân khúc cao cấp chỉ có hai dự án mở bán mới, nằm tại khu vực Tây Hồ.

Đến quí 3/2019, có khoảng 6.400 căn hộ được chào bán trên thị trường. Trong số đó, chỉ có 850 căn đến từ 4 dự án mới. Phân khúc cao cấp ghi nhận duy nhất một dự án mới, nằm tại quận Tây Hồ với qui mô 32 căn hộ. Phân khúc sang trọng không khi nhận nguồn cung mới trên thị trường sơ cấp quí này.

Những căn hộ có diện tích nhỏ, giá trị thấp đang ghi nhận tốc độ bán hàng tốt nhất thị trường.

Thu Hà

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.