Mối lo mới trên thị trường bất động sản Trung Quốc
Lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc đã chịu thêm một "đòn giáng" khác vào ngày 18/8, khi nhà phát triển bất động sản Soho China tiết lộ lợi nhuận giảm mạnh và thừa nhận tình hình tài chính tồi tệ chỉ vài giờ sau khi tập đoàn Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án New York (Mỹ).
Soho China, một nhà phát triển bất động sản tầm trung được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), báo cáo lợi nhuận ròng là 13,61 triệu NDT (1,89 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, giảm 93% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu, chủ yếu là từ việc cho thuê các tài sản của công ty ở Bắc Kinh và Thượng Hải, đã giảm 8% xuống còn 821,50 tỷ NDT, trong khi lợi nhuận gộp giảm mạnh và sự đảo ngược trong đánh giá giá trị tài sản đã làm thu nhập ròng của Soho China sụt giảm hơn 130 tỷ NDT.
Hai Giám đốc điều hành (CEO) của Soho China là Xu Jin và Qian Ting cho biết, hoạt động kinh doanh của công ty trong nửa đầu năm "đầy bất ổn". Sự không chắc chắn này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh văn phòng cho thuê của Soho, vì nhiều công ty đã chọn áp dụng các chiến lược phát triển thận trọng và thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí nghiêm ngặt.
Soho China cũng cảnh báo về "sự không chắc chắn" trong tương lai do các hóa đơn thuế chưa thanh toán của công ty con Wangjing Soho.
Công ty con của Soho China đã nhận được thông báo từ cơ quan thuế địa phương vào tháng 8/2022 yêu cầu họ phải nộp 1,73 tỷ NDT tiền thuế tăng giá đất trước ngày 1/9/2022, với khoản phụ phí 0,05% mỗi ngày cho việc nộp chậm. Công ty này đã thanh toán 30,6 triệu NDT vào cuối tháng Sáu năm nay, nhưng 1,98 tỷ NDT, bao gồm cả phụ phí, vẫn chưa thanh toán.
Cơ quan thuế địa phương có thể áp dụng các hình phạt bổ sung đối với Wangjing Soho tương đương từ 50% đến 500% số tiền nợ đến hạn.
Tổng số tiền vay của nhà phát triển bất động sản này đã lên tới 16 tỷ NDT tính tới cuối tháng Sáu, trong khi tiền mặt và các khoản tương đương đạt 627,25 triệu NDT. Công ty đã ký kết các thỏa thuận bổ sung với những nhà cho vay lớn để sửa đổi các điều khoản trả nợ với tổng số tiền gốc là 7,27 tỷ NDT, bao gồm cả khoản nợ gốc đã bị lỡ hạn thanh toán vào khoảng 60 triệu NDT, đã đến hạn vào tháng 12/2022.
Soho cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng liên quan đến thỏa thuận vỡ nợ chéo sẽ yêu cầu hoàn trả ngay lập tức, nhưng công ty lưu ý rằng sự không chắc chắn trong các hoạt động trọng yếu có thể gây nghi ngờ về khả năng công ty này có thể tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, động thái nộp hồ sơ xin bảo hộ phá sản của tập đoàn Evergrande tại Mỹ đã làm tăng thêm sự cảnh giác đối với vốn chủ sở hữu của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán phá giá cổ phiếu Trung Quốc đại lục vào sáng ngày 18/8, với mức bán ròng 4,7 tỷ NDT cổ phiếu.
Trong khi cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Evergrande đã bị đình chỉ giao dịch kể từ tháng 3/2022, thì hai công ty con của tập đoàn này niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) là Evergrande Property Services Group và China Evergrande New Energy Vehicle đã mất lần lượt 13,6% và 9,3% trong phiên giao dịch sáng 18/8.