|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mộc Châu Milk kinh doanh ra sao trước khi lên UPCoM?

11:02 | 14/12/2020
Chia sẻ
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã có quyết định chấp thuận đăng kí giao dịch đối với 66,8 triệu cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk. Kể từ khi về "một nhà" với Vinamilk, tình hình kinh doanh của công ty có những cải thiện đáng kể.

Ngày 11/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chấp thuận đăng kí giao dịch đối với 66,8 triệu cổ phiếu MCM của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk). 

Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Mộc Châu, được thành lập năm 1958 và là đơn vị đầu tiên khai mở ra ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam. 

Năm 2005, Mộc Châu Milk chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu là 7,1 tỷ đồng. 

Kể từ khi thành lập, công ty đã thực hiện 8 đợt tăng vốn điều lệ với mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh và đầu tư vào các dự án, trong đó có ba đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và 5 đợt phát hành cổ phiếu thưởng.

Theo các nội dung được đại hội đồng cổ đông thông qua gần đây, công ty có kế hoạch phát phát 43,2 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng. Cụ thể, Mộc Châu Milk sẽ phát hành 3,34 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới).

Cùng với đó, công ty sẽ phát hành hơn 39 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Vinamilk và GTNFoods với giá phát hành là 30.000 đồng/cp. 

Theo kế hoạch, công ty sẽ bán hơn 29,45 triệu cổ phần cho GTNFoods, tương đương 75% tổng lượng chào bán và hơn 9,7 triệu cổ phần còn lại cho Vinamilk. Với mức giá chào bán là 30.000 đồng/cp, dự kiến Mộc Châu Milk thu về 1.176 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk mang gì lên HNX - Ảnh 1.

Danh sách cổ đông lớn của Mộc Châu Milk tính đến ngày 10/11. Nguồn: Bản cáo bạch của Mộc Châu Milk.

Hiện danh sách cổ đông lớn của Mộc Châu Milk chỉ gồm Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico - Mã: VLC), nắm giữ 51% vốn điều lệ. Tuy nhiên, GTNFoods (Mã: GTN) lại sở hữu 73,72% cổ phần tại Vilico, do đó GTNFoods cũng sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk.

Tại thời điểm 30/9, Vinamilk đang sở hữu 75% cổ phiếu GTN và hiện tại nắm quyền quản lý cả GTNFoods và Mộc Châu Milk. Tỷ lệ sở hữu gián tiếp của Vinamilk tại Mộc Châu Milk hiện tại là 28,61%.

Mộc Châu Milk kinh doanh ra sao?

Trong giai đoạn từ 2017 - 2019, doanh thu của Mộc Châu Milk không có nhiều sự thay đổi, dao động trong khoảng từ 2.400 - 2.550 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp duy trì trong khoảng 19%. Mặc dù tăng trưởng doanh thu, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) của Mộc Châu Milk lại cho thấy sự sụt giảm. 

Năm 2019, LNST chỉ còn 167 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 23% so với hai năm trước đó. Theo quan sát, nguyên nhân đến từ việc chi phí bán hàng tăng mạnh, trùng với giai đoạn Mộc Châu Milk thuộc quyền sở hữu của GTNFoods.

Mộc Châu Milk mang gì lên HNX - Ảnh 2.

Nguồn: Linh Giang tổng hợp từ BCTC của Mộc Châu Milk.

Quý III/2020 đánh dấu tròn 9 tháng Mộc Châu Milk về "một nhà" với Vinamilk, theo đó hiệu quả kinh doanh của công ty chứng kiến những thay đổi rõ rệt.

Theo báo cáo tài chính quý III, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần đạt 775 tỷ đồng, tăng 14% và lãi sau thuế hơn 102 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lãi gộp của công ty tiếp tục cải thiện đáng kể từ 16% ở cùng kỳ lên 35% trong quý III năm nay, nhờ áp dụng những quy trình mới theo kinh nghiệm sẵn có của Vinamilk. Song song đó, công ty cũng đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, chi gần 370 tỷ đồng tiền quảng cáo và khuyến mãi.

Phía Mộc Châu Milk cho biết, công tác quản trị hiệu quả, chính sách hỗ trợ nhà phân phối và khách hàng tốt, cùng với giá bán hợp lý giúp công ty đạt kết quả tăng trưởng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Mộc Châu Milk đạt 2.142 tỷ đồng doanh thu thuần và 209 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 10% và 69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 13% lên 1.212 tỷ đồng. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 696 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Linh Giang