|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

MobiFone không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán

20:37 | 21/12/2022
Chia sẻ
Theo quy định của CMSC, MobiFone không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc cho thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán,...

 Ảnh minh họa: MobiFone.

MobiFone không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa ban hành quyết định về việc Tổng công ty Viễn thông MobiFone phải bảo đảm quản lý và sử dụng vốn Nhà nước có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định, dẫn thông tin từ Báo Chính Phủ.

Theo đó, mọi biến động về tăng, giảm vốn Nhà nước đầu tư và doanh nghệp, MobiFone phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.

Về huy động vốn, CMSC nhấn mạnh MobiFone được huy động vốn, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

MobiFone được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ cho bên cho vay nước ngoài theo đúng các điều kiện đã cam kết trong các thỏa thuận vay.

MobiFone sử dụng vốn vay đúng mục đích, chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn. Nhà nước không chịu trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ do MobiFone trực tiếp vay, trừ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. 

Tổng mức vốn huy động để phục vụ sản xuất, kinh doanh của MobiFone bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn của các công ty con phải bảo đảm hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.

Đối với khoản vay của các công ty con, MobiFone chỉ được bảo lãnh cho các công ty con vay vốn tại các tổ chức tín dụng trong điều kiện công ty con được bảo lãnh có tình hình tài chính lành mạnh, không có các khoản nợ quá hạn. Việc bảo lãnh vốn để thực hiện dự án đầu tư phải trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án đầu tư và phải có cam kết trả nợ đúng hạn với khoản vay được bảo lãnh.

Về đầu tư, quyết định nêu rõ MobiFone không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc cho thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp theo quyết định của Thủ tướng trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Trường hợp MobiFone đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên không thuộc trường hợp được Thủ tướng cho phép thì phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Nắm giữ 11.000 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng, đẩy mạnh vay nợ trong 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2022 đã kiểm toán, tại ngày 30/6, tổng tài sản của MobiFone hơn 28.689 tỷ đồng, trong đó gần một nửa tập trung vào tài sản cố định. Tổng công ty ghi nhận hơn 11.263 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 39% tổng tài sản. Trong 6 tháng đầu năm, khoản tiền gửi này đem về cho MobiFone khoản lãi hơn 328 tỷ đồng.

Cuối quý II, MobiFone không thực hiện đầu tư bất động sản, không đầu tư thêm vào công ty con, công ty liên kết. 

Tại cuối tháng 6, nợ phải trả của MobiFone hơn 4.387 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 vốn chủ sở hữu. Trong đó, doanh nghiệp chỉ đi vay ngắn hạn với số tiền 746 tỷ đồng, tăng 719 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 6 tháng, MobiFone đã phát sinh vay thêm 5.821 tỷ đồng và đã trả 5.102 tỷ.

 Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của MobiFone.

Cuối quý II/2022, vốn chủ sở hữu của tổng công ty hơn 24.301 tỷ, trong đó vốn góp là 15.000 tỷ, quỹ đầu tư phát triển là 8.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 270 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần của MobiFone có xu hướng giảm dần sau năm 2017, thời điểm doanh thu đạt đỉnh gần 40.000 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giữ mức trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2019. Riêng hai năm đại dịch, con số này về mức lần lượt 3.786 tỷ và 3.883 tỷ đồng.

Trong thị trường mạng viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - công ty mẹ của Vinaphone và MobiFone thường chiếm thị phần lớn nhất, trên 90%. Thậm chí, năm 2019, tổng thị phần của ba nhà mạng này đạt tới 96,2%.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông tại quý III/2022, Viettel nắm vị trí thứ nhất với 54,5% thị phần thuê bao di động. Như vậy khoảng 36% miếng bánh thị phần còn lại thuộc về Vinaphone và MobiFone.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của MobiFone.

Minh Hằng