'Mỏ vàng' dược phẩm của Long Châu
Thời gian gần đây, quan sát dễ thấy chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT Retail hoạt động rất tích cực, liên tục hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kênh phân phối thuốc.
Mới đây, công ty cũng lấn sân sang lĩnh vực tiêm chủng với 5 cơ sở tại Hà Nội và TP HCM. Mảng tiêm chủng vốn là sân chơi chủ yếu của khối bệnh viện và trung tâm y tế công.
Một loạt những động thái trên cho thấy FRT Retail - đơn vị thời gian trước thường được biết đến nhiều trong mảng bán lẻ công nghệ với chuỗi FPT Shop, ngày càng đầu tư mạnh tay vào Long Châu.
Tính tới cuối tháng 9, số lượng cửa hàng thuốc của Long Châu đạt 1.350, tăng 413 cửa hàng so với cuối năm ngoái. FRT Retail dự kiến đưa số lượng nhà thuốc Long Châu lên tới 1.400 - 1.500 cửa hàng vào cuối năm nay, và đạt mốc 3.000 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.
Ngược lại, nhà thuốc An Khang của Đầu tư Thế Giới Di Động và Pharmacity đang khá thận trọng trong việc mở rộng cửa hàng của chuỗi bán lẻ thuốc.
Hồi đầu năm, Tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài quyết định tạm ngưng mở rộng và chỉ giữ lại những cửa hàng An Khang có lợi nhuận, tính đến tháng 9 An Khang tạm dừng số lượng nhà thuốc ở mức 537 cửa hàng.
Cùng thời điểm, Pharmacity đã đóng cửa gần 200 cửa hàng, đồng thời đang duy trì hoạt động khoảng 1.118 cửa hàng.
Không chỉ có số lượng lớn nhất, Long Châu còn là chuỗi nhà thuốc duy nhất có lãi ở thời điểm hiện tại. Quy mô doanh thu chuỗi nhà thuốc này luôn duy trì trên mức 1 tỷ đồng/tháng/cửa hàng và có biên lãi gộp trên 23%. Công ty cho biết 99% nhà thuốc có lãi sau 6 tháng hoạt động.
Long Châu tham gia vào thị trường bán lẻ thuốc từ quý III/2018, và đến cuối năm 2021 bắt đầu có lãi nhẹ. Năm ngoái, chuỗi này lãi trước thuế 53 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của Long Châu đạt 280 tỷ đồng.
Có thể thấy Long Châu đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng doanh thu của FPT Retail, chiếm 46% trong nửa đầu năm. Ngược lại, mảng kinh doanh công nghệ truyền thống FPT Shop lại đang đánh mất vai trò của mình.
Đối mặt với áp lực cạnh tranh cao khi sức mua suy yếu, cuộc chiến giá trong ngành công nghệ đã khiến lợi nhuận mảng ICT của công ty giảm hơn 19% trong nửa đầu năm nay. Với chiều hướng này, có lẽ trong thời gian tới, sân chơi chính của FPT Retail sẽ là bán lẻ dược phẩm.
Đấu trường dược phẩm
Theo IQVIA Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm của Việt Nam còn phân mảnh, hiện có khoảng 60.000 nhà thuốc tham gia, hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ.
Trong đó, chỉ có gần 3.000 nhà thuốc đến từ các chuỗi nhà thuốc lớn gồm: Pharmacity (tham gia từ năm 2011, được hậu thuẫn bởi SK Group), Long Châu và An Khang.
Tuy nhiên, những năm gần đây thị phần chuỗi nhà thuốc đã thay đổi khi tăng từ 1% năm 2016 lên 6% năm 2022.
Thị trường hấp dẫn khiến hồi tháng 10, tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) cũng bắt đầu “tham chiến” khi mua lại 51% cổ phần chuỗi Trung Sơn Pharma với giá 30 triệu USD, theo tờ Business Korea.
Không chỉ cạnh tranh với nhau để gia tăng thị phần, chuỗi nhà thuốc còn phải đối mặt với tỷ trọng kênh phân phối thuốc bệnh viện lớn.
Thị trường dược phẩm ở Việt Nam bao gồm kênh phân phối ETC (đấu thầu thuốc bán cho bệnh viện) và OTC (thuốc không kê toa – phân phối qua các hiệu thuốc).
Kênh phân phối ETC chiếm khoảng 70% thị trường thuốc ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM nơi có nhiều bệnh viện lớn. Thị phần ở kênh này chủ yếu đến từ thuốc nhập khẩu.
Kênh phân phối OTC chiếm khoảng 30% thị trường thuốc. Mảng này là thị trường chính mà Long Châu, An Khang và Pharmacity đang cùng cạnh tranh.