Mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản
Cuối tháng 7/2019, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức đoàn giao dịch thương mại gạo sang thị trường Hoa Kỳ, Mexico.
Dự kiến, khoảng 21 doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia. Theo đại diện Cục XTTM, đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ về mở rộng thị trường châu Mỹ, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ; đồng thời, hỗ trợ DN XK gạo có điều kiện tiếp cận các thị trường lớn, ngăn ngừa rủi ro do chỉ phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường truyền thống.
Dây chuyền chế biến mít xuất khẩu
Nhằm đảm bảo hiệu quả giao thương, Cục XTTM lựa chọn DN tham gia với những tiêu chí rất khắt khe: Có năng lực XK, uy tín và có cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh ngành hàng gạo; ưu tiên những DN có nhu cầu tìm kiếm đối tác mới ở khu vực Bắc Mỹ, có kết quả kinh doanh tốt trong 2 năm gần đây và có thành tích XK gạo vào thị trường Hoa Kỳ, Mexico.
Cũng theo đại diện Cục XTTM, đoàn giao dịch thương mại gạo sang thị trường Hoa Kỳ, Mexico là một trong nhiều hoạt động XTTM ở lĩnh vực nông sản được triển khai từ đầu năm tới nay.
Tháng 9 tới đây, Cục XTTM tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa DN tham gia Hội chợ rau quả Asia Fruit Logistica Hongkong 2019. Hoạt động này nhằm hỗ trợ DN chế biến nông sản chinh phục thị trường các quốc gia khu vực châu Á và Asean…
Là một trong những đại diện DN tham gia nhiều chương trình XTTM do Bộ Công Thương tổ chức, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến và Kinh doanh nông sản Bảo Minh - chia sẻ, sự hỗ trợ của Cục XTTM đã giúp DN chế biến nông sản kết nối, tập hợp nhiều loại sản phẩm và cử đại diện tham gia các hội chợ triển lãm, giúp giảm chi phí, tăng khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn.
Đặc biệt, hệ thống văn phòng đại diện XTTM Việt Nam tại Trung Quốc đã giúp Bảo Minh kết nối với các nhà tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm quế hồi của công ty đã XK sang thị trường Trung Quốc.
Nông sản hiện là một trong những ngành hàng XK tiềm năng của Việt Nam và đã có mặt tại 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số mặt hàng thế mạnh, như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều chiếm thị phần khá lớn. Bộ Công Thương có nhiều đóng góp vào kết quả trên khi những năm qua đã nỗ lực tìm kiếm đầu ra và mở rộng cơ hội XK cho nông sản Việt.
Hàng năm, Bộ Công Thương luôn dành khoảng 33-35 tỷ đồng triển khai các chương trình XTTM, kết nối giao thương nhằm quảng bá mặt hàng nông sản của Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Riêng đối với mặt hàng gạo, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình XTTM gạo sang các thị trường trọng điểm, còn nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ, Philippines, Singapore, Bờ Biển Ngà, Hong Kong, Nam Phi.
Bên cạnh đó, triển khai Đề án thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020, Bộ Công Thương đã tạo cơ hội cho nông sản Việt tiêu thụ và xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối của DN nước ngoài tại Việt Nam; gắn kết DN Việt kiều tại Thái Lan, Pháp, Đức, Australia… với DN trong nước, sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ DN Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường XK.
Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, nông sản Việt đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ngành nông nghiệp phải giải quyết được bài toán chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.