Mở lớp dạy lập trình cho các em nhỏ, thu 5 triệu đồng/tháng, TagEdu không thể thuyết phục cá mập rót vốn
Theo chia sẻ, đầu năm 2023, Nguyễn Đăng Trung thành lập TagEdu – trung tâm lập trình tiêu chuẩn Mỹ cho trẻ em từ 6 – 15 tuổi. Trở về Việt Nam sau 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, Trung nhận định lập trình là kỹ năng quan trọng trong 5 – 10 kế tiếp, điều này thôi thúc anh tạo ra một dự án đào tạo lập trình cho trẻ nhỏ.
TagEdu nhập khẩu chương trình học đạt tiêu chuẩn CSTA K-12 từ Mỹ đã được chứng minh bởi 2 triệu người dùng trên thế giới rồi chia nhỏ thành 5 cấp độ: fresher, junior, senior, back end, front end. Mức học phí là 250 – 400 nghìn đồng/tiếng, tương đương từ 3 – 5 triệu/tháng.
Sau 9 tháng, TagEdu cho biết đã thu hút hơn 1.000 học viên tham gia workshop, code camp (trại huấn luyện ngôn ngữ lập trình cơ bản). Tag Edu tới Shark Tank kêu gọi 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Nhà sáng lập đặt mục tiêu mở thêm 4 trung tâm trong vòng 3 năm tới với tốc độ tăng trưởng từ 200 – 300%.
TagEdu sẽ tập trung phát triển chuỗi tại các khu chung cư cao cấp gần trường học, nơi phụ huynh có điều kiện tài chính để chi trả học phí cũng như có sẵn hội nhóm để dàng kết hợp tổ chức các workshop, code camp. Tầm nhìn xa hơn của đơn vị này là hoàn thiện nền tảng để tích hợp các chương trình khoa học máy tính vào hệ thống các trường học ở Việt Nam.
Cựu du học sinh Mỹ chia sẻ anh đã đầu tư 600 triệu đồng vào TagEdu. Từ tháng thứ 4 trở đi, công ty này đã có dòng tiền dương. Doanh thu 3 tháng gần nhất đạt trung bình 130 – 150 triệu/tháng, lợi nhuận khoảng 30 – 35%.
Nếu không gọi được vốn đầu tư, kế hoạch của TagEdu là đến đầu năm 2025 sẽ mở thêm 3 trung tâm mới. Doanh thu dự kiến năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt đạt 3,3 tỷ và 9,5 tỷ đồng.
Sau khi nghe trình bày, Shark Hùng Anh và Shark Bình từ chối đầu tư vì thị trường quá nhỏ, các tiếp cận của TagEdu cũng không đủ hấp dẫn. Shark Erik cũng không đầu tư bởi TagEdu đang ở giai đoạn solo founder (chỉ có một nhà sáng lập), chưa có đồng sáng lập.
Shark Tuệ Lâm nhận định mô hình của TagEdu đang tận dụng được nhiều yếu tố thuận lợi từ thị trường. Cô cho rằng công ty cần cân nhắc giữa việc sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư với việc kêu gọi vốn. Bởi nếu kết quả kinh doanh tốt hơn, TagEdu sẽ có được định giá doanh nghiệp tốt hơn. Nữ "cá mập" này cũng từ chối đầu tư.
Shark Minh Beta bày tỏ sự thấu hiệu khi khởi nghiệp mà không có nguồn lực hỗ trợ thì sẽ phát triển rất chậm, khó thành chuỗi lớn trong khi thị trường thì lại liên tục xuất hiện các đối thủ cạnh tranh.
Shark Minh đề nghị đầu tư 500 triệu đồng đổi lấy 15% cổ phần, sau 12 tháng sẽ giải ngân nốt 1 tỷ đồng còn lại để lấy 10% cổ phần với điều kiện 3 trung tâm của startup đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng.
Phía TagEdu đề nghị "cá mập" mức 1,5 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần. Sau khi suy nghĩ, Shark Minh Beta vẫn giữ nguyên đề nghị của mình và hai bên không tìm được sự đồng thuận. TagEdu trắng tay ra về.