|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mở lại phiên tòa xét xử 3 sếp dầu khí nhận tiền của Oceanbank

19:13 | 30/05/2019
Chia sẻ
Ngày 30/5, TAND Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP).

Vụ án là giai đoạn mở rộng của đại án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) gây thiệt hại 1.600 tỷ đồng.

Ba người hầu tòa là các cựu lãnh đạo của PVEP: Đỗ Văn Khạnh (tổng giám đốc), Nguyễn Tuấn Hùng (trưởng ban tài chính), Vũ Thị Ngọc Lan (phó tổng giám đốc).

Cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm hôm nay vẫn vắng mặt, ủy quyền cho luật sư. Một số cựu lãnh đạo khác của Oceanbank gồm Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc) và Nguyễn Minh Thu (cựu tổng giám đốc) hôm nay có mặt. Tuy nhiên, ông Sơn sau đó xin xử vắng mặt, giữ lời khai như ở cơ quan điều tra. Tòa cho dẫn giải ông này về nơi tạm giam vì lý do sức khỏe.

Mở lại phiên tòa xét xử 3 sếp dầu khí nhận tiền của Oceanbank - Ảnh 1.

Các bị cáo (từ trái qua): Lan, Khạnh, Hùng tại phiên tòa sáng 30/5. Ảnh: X.T.


Cựu phó tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Thị Minh Phương vẫn vắng mặt vì đang điều trị ung thư. Nhiều luật sư đề nghị HĐXX cho áp giải bà này tới tòa bởi liên quan trực tiếp tới việc bàn bạc gửi tiền, trả lãi ngoài ở Oceanbank với PVEP. Yêu cầu này không được tòa chấp nhận vì nhận định bà Phương vắng mặt với lý do chính đáng.

Ở phiên tòa bị dừng hồi đầu tháng 5, sau khi HĐXX xét hỏi ba bị cáo, VKS đề nghị triệu tập thêm nhân chứng Hoàng Ngọc Đang (Chủ tịch HĐTV PVEP), Đinh Văn Đức (kế toán trưởng) vì Hùng khai trong những lần đưa tiền đều có hai người này chứng kiến. Hôm nay, hai ông này đã có mặt tại tòa.

Theo cáo trạng công bố sáng nay, PVEP là công ty TNHH Nhà nước một thành viên, vốn điều lệ 59.700 tỷ đồng, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2011-2014, thực hiện chỉ đạo của PVN về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của Oceanbank (PVN góp 20% vốn điều lệ), PVEP đã gửi từ 3 tỷ đồng đến 900 tỷ đồng/tháng, tùy từng thời điểm. Tổng tiền lãi hơn 17 tỷ đồng. Bằng ngoại tệ, PVEP gửi từ 433.000 đến 43 triệu USD/tháng, tổng lãi hơn 100.000 USD.

Theo chủ trương và chỉ đạo của cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm về việc chi trả lãi ngoài tiền huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống Oceanbank, bà Phương được giao trực tiếp chi trả các khoản tiền ngoài lãi suất huy động vốn cho khách hàng PVEP.

Từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2014, bà Phương khai trực tiếp chi 29 lần tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVEP cho ông Hùng với tổng số tiền 54,6 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền nhận trên, các bị cáo không hạch toán vào sổ sách công ty mà chi tiêu cá nhân hết. Ông Hùng khai chia cho tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh 8 tỷ đồng và 150.000 USD, có báo cáo rõ nguồn tiền. Song nhà chức trách xác định chỉ có căn cứ buộc ông Khạnh chịu trách nhiệm hình sự với hơn 4 tỷ đồng.

Ông Hùng còn khai chia cho bà Lan 10 tỷ đồng song nữ bị cáo phủ nhận và khẳng định không biết việc cấp dưới nhận tiền từ Oceanbank hay chia cho lãnh đạo nào. Cơ quan điều tra cũng kết luận bà Lan chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 200 triệu đồng.

Khai tại tòa, ông Hùng nói mọi việc đều làm theo chỉ đạo của bà Lan, kể cả những lần nhận tiền lãi suất ngoài hợp đồng từ Oceanbank. Ông Hùng thừa nhận  20 lần bà Phương cùng một số lãnh đạo của Oceanbank chuyển tiền cho mình, tổng cộng 39,2 tỷ đồng. Tiền nhận từ Oceanbank, Hùng chia hết cho các lãnh đạo của PVEP, chỉ giữ lại 2,3 tỷ đồng chi tiêu.

Việc gửi tiền vào Oceanbank rồi nhận lãi ngoài đều theo chỉ đạo của cựu phó tổng giám đốc Vũ Thị Ngọc Lan. Ông Hùng cho rằng bản thân không có quyền quyết định với vấn đề này, thường báo cáo bằng miệng với bà Lan và ông Khạnh.

Trong khi đó, hai cựu cấp trên của Hùng là ông Khạnh, bà Lan đều phủ nhận những lời khai trên. Ông Đỗ Văn Khạnh khai, trong ba năm 2012-2014, nhận nhiều lần từ Hùng với tổng tiền 3 tỷ đồng và 50.000 USD (tổng là hơn 4 tỷ đồng), không phải 8 tỷ đồng và 150.000 USD như Hùng khai. Những lần nhận tiền, ông Khạnh nói không hỏi nguồn gốc bởi nghĩ đó là quà của đối tác thông thường của công ty.

Ông Khạnh vẫn giữ lời khai như phiên tòa mở ngày 6/5 rằng không được cấp dưới là Hùng, Lan báo cáo về tiền chăm sóc khách hàng của Oceanbank.

Mở lại phiên tòa xét xử 3 sếp dầu khí nhận tiền của Oceanbank - Ảnh 2.

Cựu tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh. Ảnh: X.T.


Bị cáo Vũ Thị Ngọc Lan cũng tiếp tục khẳng định "chưa bao giờ nghe báo cáo về lãi suất ngoài hợp đồng", cũng chưa bao giờ chỉ đạo bị cáo Hùng về vấn đề này. Bị cáo Lan khai "chưa bao giờ nhận một đồng nào từ anh Hùng" và chỉ thừa nhận có cầm 200 triệu đồng từ phó tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Thị Minh Phương. Bà Lan lý giải tiền này nhận vào dịp lễ tết.

Bà Lan còn khẳng định chưa từng trao đổi hay nghe lãnh đạo nào của Oceanbank như cựu chủ tịch Hà Văn Thắm hay cựu tổng giám đốc Nguyễn Minh Thu đề cập vấn đề tiền chăm sóc khách hàng với tiền gửi của PVEP.

Bà Lan còn xin HĐXX xem xét làm rõ hai hành vi độc lập là hoạt động nghiệp vụ tài chính kế toán và nhận lãi ngoài. Bà được phân công chuyên môn nghiệp vụ về tài chính kế toán nên chỉ chỉ đạo Hùng liên quan tới chuyên môn này. Còn "nhận lãi ngoài" là hành vi không liên quan tới nghiệp vụ nên bà không chỉ đạo, không nghe báo cáo.

Có mặt với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu khai đầu năm 2011 có gặp bà Lan để nhờ PVEP tiếp tục hợp tác với ngân hàng. Tuy nhiên lần gặp gỡ đó cũng như sau này chưa từng đề cập tới vấn đề chi tiền chăm sóc lãi ngoài. Việc chi chăm sóc lãi ngoài là chủ trương của bị án Hà Văn Thắm. Người trực tiếp thực hiện giao dịch với PVEP là Nguyễn Thị Minh Phương.

Luật sư được bị án Hà Văn Thắm ủy quyền đề nghị tòa cho các bên đối chất, tiếp tục làm rõ về số tiền chênh lệch giữa số tiền lãi ngoài Oceanbank đã chi cho PVEP với việc thực nhận của các cựu lãnh đạo doanh nghiệp này. Ngoài ra, về số tiền các cựu lãnh đạo PVEP nhận của Oceanbank, luật sư đề nghị tuyên trừ vào phần bị án Thắm bị tuyên bồi thường cho ngân hàng này trong một vụ án khác liên quan tới chi lãi ngoài.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra vào buổi chiều với phần xét hỏi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bảo Hà

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.