Mở Dương Long R&D, May Việt Tiến đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu xuất khẩu hai con số
Ngành thời trang hi vọng được "gỡ rối" bởi các trục thương mại mới
Kết quả cuộc khảo sát mới đây về lĩnh vực thời trang do Hiệp hội Thời trang Mỹ thực hiện cho thấy, trong năm thứ hai liên tiếp, cụm từ "các chính sách bảo hộ thương mại Mỹ" tiếp tục được giới chuyên gia đánh giá là thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực thời trang và may mặc.
Với những tính chất đặc trưng như vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, cùng chuỗi cung ứng phức tạp và trải dài trên nhiều quốc gia, thời trang luôn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các nền tảng chính sách và chính trị.
Trong khi đó, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kì vọng sẽ mở ra nhiều nền tảng giao dịch tự do hơn giữa các khu vực châu Á và Nam Mỹ.
Theo giới phân tích, trong thời gian tới ngành công nghiệp thời trang sẽ được vận hành với động lực chính là định hướng lại các nguồn cung ứng, có thể theo hướng có lợi cho những nước tham gia các FTA mới.
Tại sự kiện khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển mẫu Long Dương (Dương Long R&D) ngày 12/10, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến (Mã: VGG) cũng nhận định rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, ngành thời trang cần tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA.
Lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển mẫu Long Dương ngày 12/10. (ảnh: TH)
Việt Tiến đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu xuất khẩu hai con số
Nhằm phát triển chuỗi giá trị và tăng sức sức cạnh tranh của thương hiệu tại thị trường nội địa và xuất khẩu, Việt Tiến đã quyết định mở Dương Long R&D, đáp ứng nhanh nhu cầu nhà cung cấp cũng như tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại.
Với qui mô 3.000m2, Dương Long R&D bao gồm các khu vực chức năng: Thiết kế sáng tạo; kỹ thuật; may mẫu; sản xuất hình ảnh truyền thông để đưa sản phẩm từ ý tưởng sáng tạo vào sản xuất công nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghệ thời trang trong sản xuất kinh doanh ODM (sản xuất, thiết kế gốc) và OBM (phát triển thương hiệu gốc).
Ông Giang cho biết thêm, trung bình 1-2 tháng, Việt Tiến sẽ ra mắt bộ sưu tập mới do chính người mẫu trình diễn trên sàn catwalk ngay tại công ty để các đại lí đến xem và đưa ra quyết định mua hàng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến. (ảnh: TH)
Theo vị đại diện này, mục tiêu lớn nhất hiện tại của Việt Tiến là tăng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đưa tăng trưởng doanh thu xuất khẩu lên hai con số.
Riêng năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng đến thị trường nội địa.
Hiện tại, tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng 7-8%, với việc mở Dương Long R&D thì chỉ tiêu này có thể đạt hai con số trong tương lai không xa. Bởi nhờ công nghệ thiết kế 3D sẽ đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng cũng như tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu.
Ông Giang cũng cho biết thêm, chi phí xây dựng Dương Long R&D trong giai đoạn 1 khoảng hơn 50 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Việt Tiến sẽ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng và xây thêm một nhà máy sản xuất vải với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỉ đồng.