|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mirae Asset gọi tên các cổ phiếu đầu tư tiềm năng, mã cao nhất có upside lợi nhuận 51%

07:00 | 09/06/2022
Chia sẻ
Dự báo nhu cầu gia tăng hậu COVID-19 và lực đẩy từ giá hàng hóa, một số ngành kinh doanh được Mirae Asset Việt Nam khuyến nghị đầu tư gồm khu công nghiệp, bán lẻ, bất động sản thương mại, F&B, điện, dầu khí,...

Đánh giá biến động của các ngành kinh doanh trên thị trường chứng khoán trong tháng 5, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) cho biết hầu hết các nhóm ngành đều sụt giảm mạnh trong nửa đầu tháng 5.

Tuy nhiên, sự hồi phục sau đó giữa các nhóm ngành có sự phân hóa rõ nét. Tính chung cả tháng, sự sụt giảm của các trụ cột, như ngân hàng, nguyên vật liệu, bất động sản, chứng khoán, thực phẩm và đồ uống, xây dựng cơ bản kéo điểm VN-Index đáng kể.

Ngược lại, tiện ích, phần mềm và dịch vụ, viễn thông tăng điểm trong tháng 5, giúp bù đắp lại sự sụt giảm của VN-Index.

Nguồn: Phòng phân tích Mirae Asset Việt Nam, dữ liệu Bloomberg (cập nhật đến ngày 31/5/2022). Điểm màu đỏ trên đồ thị xu hướng giá từ 2020 là mức thấp nhất, điểm màu xanh là mức cao nhất.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cập nhật triển vọng của 9 nhóm ngành, bao gồm:

Bất động sản khu công nghiệp

Nhìn chung hoạt động cho thuê đất KCN vẫn diễn ra thuận lợi trong quý I/2022, so với cùng kỳ, tổng doanh thu 8 doanh nghiệp tiêu biểu có quỹ đất sẵn sàng cho thuê đã tăng trưởng 13% và lợi nhuận sau thuế (LNST) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng là 35%.

Đáng chú ý có doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng LNST gấp nhiều lần so với cùng kỳ như IDC tăng 381% và VGC tăng 153%.

Bán lẻ

Ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại ở mức hai con số. Trong ngắn và trung hạn, sự phục hồi các mặt hàng không thiết yếu sẽ là nhân tố dẫn dắt chính cho ngành bán lẻ nhờ nhu cầu thấp trong hai năm vừa qua. Với kỳ vọng vĩ mô phục hồi trong năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, gián tiếp gia tăng nhu cầu mua sắm.

Thực phẩm & đồ uống

Xuất khẩu thủy sản như kỳ vọng vẫn là nhóm doanh nghiệp sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt vượt trội trong năm 2022. Chứng khoán Mirae Asset đánh giá quý II/2022 sẽ là giai đoạn doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bùng nổ trong năm.

Tuy nhiên, cần lưu ý xu hướng này sẽ giảm dần vào hai quý còn lại của năm do lượng tồn kho giá rẻ 2021 đã tiêu thụ hết và vụ thu hoạch mới với nguồn cung tăng giá sẽ bắt đầu vào cuối quý III.

Đồ uống, xuất khẩu lương thực và sản xuất đường sẽ có sự tăng trưởng nhẹ trong năm 2022. Trong nhóm này, đồ uống sẽ là nhóm doanh nghiệp tốt nhất vì nhu cầu nội địa có sự phục hồi từ vùng thấp 2021.

Năng lượng điện

Theo EVN, sản lượng tiêu thụ điện Việt Nam tăng 6,3% trong 4 tháng đầu năm 2022. Năng lượng gió là loại hình hưởng lợi nhiều nhất với sản lượng tăng 500% trong tháng 4/2022 và 369% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Sản lượng điện mặt trời tăng 53% trong tháng 4/2022 và 6,6% trong 4 tháng đầu năm 2022. Huy động nhóm thủy điện cũng cải thiện 27% tháng 4/2022 và 21% trong 4 tháng đầu năm 2022.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng, nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình các năm. Các đợt nóng sẽ không quá gay gắt và kéo dài. Mực nước một số sông chính đặc biệt tại khu vực miền Bắc cải thiện nhẹ trong 5 tháng đầu năm 2022.

Dầu khí

Cả ngành dầu khí trong quý I/2022 đã tăng trưởng 46% về doanh thu và 74% về lợi nhuận sau thuế. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã ghi nhận kết quả rất tích cực, những doanh nghiệp đầu ngành như GAS, PVS có mức tăng trưởng cao, cụ thể GAS tăng trưởng 52% doanh thu và 69% LNST, PVS tăng trưởng 44% doanh thu và 50% lợi nhuận sau thuế.

Các doanh nghiệp dầu khí còn là nhóm các doanh nghiệp sản xuất có tỷ lệ lượng tiền lớn trên sàn.

Xây dựng

Theo Bộ Tài Chính, tính từ đầu năm đến đến 30/4/2022 giải ngân đầu tư công đạt 85.712 tỷ đồng, đạt 14,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn trong nước là 83.234 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.177 tỷ đồng, lần lượt đạt 21,63% và 6,26% kế hoạch.

Ước tính đến 31/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 117.937 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch. Năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ GTVT là 50.327 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến 30/4/2022, Bộ GTVT đã giải ngân 10.096 tỷ đồng, đạt 20,06% kế hoạch. Ước tính đến 31/5 giải ngân đạt 11.728 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch.

Thép/tôn mạ

Giá than cốc vẫn duy trì ở mức cao, đạt 437 USD/tấn vào tháng 5/2022, tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung từ Nga bị gián đoạn cũng như nhu cầu từ các nhà máy điện trên toàn cầu tăng mạnh.

Bất chấp việc giá quặng sát đã điều chỉnh 35% từ đỉnh, về mức 137USD/tấn vào tháng 5/2022, chi phí sản xuất gia tăng đã khiến các nhà máy thép đều suy giảm lợi nhuận. Giá bán thép xây dựng ở Việt Nam đã điều chỉnh về mức 18 triệu/tấn, giảm 1 triệu/tấn so với tháng 4/2022 nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Dệt may

Trong tháng 5/2022 và 5 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 3,1 tỷ USD (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước) và 14,9 tỷ USD (tăng 21,7%), tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm. Ở các thị trường chủ lực, giá trị xuất khẩu và thị phần hàng may mặc Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực.

Cụ thể, thị trường Mỹ ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng thời trang trong quý I/2022 đạt 4,7 tỷ USD (tăng 33%, chiếm 14,7% thị phần); hàng xuất khẩu dệt may thị trường Canada đạt 392,2 triệu USD (tăng 57,7%); xuất khẩu hàng thời trang sang EU đạt 761,2 triệu Euro (tăng 16,4%); xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc và Nhật Bản 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1 tỷ USD (tăng 8,4%) và 1,04 tỷ USD (đi ngang).

Cảng biển

Trong 5 tháng đầu năm 2022, khối lượng thông quan cảng biển ước đạt 304,2 triệu tấn (tăng 2,9%). Khối lượng container thông quan ước đạt 10,4 triệu TEU, tăng 4,3%.

Hoạt động thông quan container duy trì mức tăng trưởng dương trong 3 tháng liên tiếp sau khi giảm nhẹ 1% trong 2 tháng đầu năm 2022. Giá trị xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 306 tỷ USD, tăng 16,5% so với mức 16,3% trong 4 tháng đầu năm 2022. Chỉ số giá vận tải biển các tuyến chính đang có xu hướng giảm, giúp hỗ trợ hoạt động vận tải biển trong bối cảnh dịch COVID tại Trung Quốc và khủng hoảng Ukraine làm gia tăng chi phí trên toàn cầu.

Dự báo nhu cầu gia tăng hậu COVID-19 và lực đẩy từ giá hàng hóa, một số ngành kinh doanh được khuyến nghị đầu tư gồm khu công nghiệp, bán lẻ, bất động sản thương mại, F&B, điện, dầu khí,...

 

Nguồn: Phòng Phân tích CTCK Mirae Asset Việt Nam. Lợi nhuận kỳ vọng so với giá đóng cửa ngày 26/5/2022.

Thu Thảo