Minh bạch hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính
Cho vay tiêu dùng. (Nguồn: Internet). |
Theo Thông tư số 43/2016, Công ty tài chính (CTTC) thực hiện cho vay tiêu dùng đối với khách hàng có nhu cầu mua xe, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao và để sửa nhà ở.
Mức vay tiêu dùng đối với một khách hàng được quy định là không vượt quá 100 triệu đồng/người tại một công ty tài chính (không áp dụng đối với vay để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó).
Thông tư cũng yêu cầu CTTC phải thực hiện quản lý, giám sát, thống kê hoạt động cho vay tiêu dùng tách bạch với các hoạt động cho vay khác của công ty tài chính.
CTTC được phép mở các điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và không được thực hiện các hoạt động khác tại các điểm này.
Định kỳ hàng quý công ty phải báo cáo bằng văn bản về danh sách điểm giới thiệu dịch vụ được mở, chấm dứt trong quý trước, danh sách dự kiến mở, chấm dứt trong quý trên địa bàn tỉnh, thành phố gửi Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính mở, chấm dứt điểm giới thiệu dịch vụ.
Về lãi suất cho vay CTTC thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Công ty có trách nhiệm ban hành khung lãi suất thể hiện mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Trong thông tư cũng đề cập trong quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của CTTC phải có một số nội dung bắt buộc đề cử như: “Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng”.
Cùng với thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chi tiết về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, Thông tư 43 được đánh giá là đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng, đơn giản hóa hồ sơ thủ tục cho vay đối với khách hàng đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong hoạt động của các CTTC và TCTD nói chung.
Tính đến thời điểm hiện tại, NHNN đã hoàn thành đợt tập huấn thông tư số 43 cùng thông tư số 39 cho các TCTD, chi nhành ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính trên phạm vi toàn quốc sẵn sàng cho thời gian chính thức áp dụng các thông tư trên vào ngày 15/3/2017 sắp tới.
Tại Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư 39 và 43 trên địa bàn TP HCM, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định vai trò quan trọng của hai Thông tư này đối với TCTD cũng như vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động tiền tệ và tín dụng.
Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia mặc dù Thông tư có mở ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho CTTC trong việc cho vay tiêu dùng nhưng việc áp mức trần số tiền cho vay tiêu dùng còn chưa hợp lý, không thể hiện được tính thị trường trong cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại và CTTC.
Trong bài viết đăng trên Infonet, bà Vương Thủy Tiên - Thành viên Hội đồng Thành viên Home Credit Việt Nam chia sẻ sự ra đời của thông tư 43 chứng tỏ việc ghi nhận sự khác biệt trong hoạt động của CTTC và ngân hàng thương mại.
Bà cho rằng Thông tư có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của CTTC và khách hàng. Tuy nhiên, bà e ngại rằng khi thông tư chính thức có hiệu lực vào ngày 15/3 tới họ sẽ không có đủ thời gian để chỉnh sửa hệ thống cho phù hợp với quy định mới.
Như vậy, đối với các CTTC việc đưa ra một quy định riêng có nhiều điểm thay đổi từ cách thức hoạt động đến các quy định biểu mẫu trong hoạt động của họ vừa là một bước thay đổi tích cực nhưng cũng là một thách thức khá lớn và thực sự cần lộ trình để có thể đáp ứng và theo kịp với quy định của NHNN.