|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mì gói 'hai con tôm' đang 'hồi sinh'?

20:25 | 01/11/2017
Chia sẻ
Cùng với việc lên sàn niêm yết, việc tung ra nhiều sản phẩm mới như bún, phở, hủ tiếu, nước tương, bột canh… đã phần nào giúp Miliket tăng sức cạnh tranh.

Lãi quý 3 gấp đôi cùng kỳ

Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (UpCOM - mã chứng khoán CMN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2017.

Theo đó, kết quả kinh doanh nhờ đó cũng cải thiện đáng kể. Riêng quý 3, doanh thu thuần của công ty đạt 136 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ nâng doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2017 lên 390 tỷ đồng, tăng 20% so với 9 tháng năm 2016.

Chi phí bán hàng của công ty nhúc nhích tăng trong quý 3 và cả 9 tháng nhưng bù lại, công ty đã tiết kiệm được chi phí doanh nghiệp nên tổng chi phí trong quý 3 tăng không đáng kể so với cùng kỳ.

Riêng quý 3/2017, Miliket báo lãi 6,6 tỷ đồng, hơn gấp đôi con số 3,2 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2016 và lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty lãi 17,55 tỷ đồng, tăng 57% so với 9 tháng năm 2016.

Miliket có vốn điều lệ 48 tỷ đồng. Với việc lãi 17,55 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2017 thì mức sinh lời trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Miliket đạt hơn 3.600 đồng/cổ phiếu và vẫn thuộc những doanh nghiệp có tỷ suất sinh lợi cao trên sàn chứng khoán.

mi goi hai con tom dang hoi sinh

Đang "thoát hiểm"?

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket chính thức niêm yết 4,8 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM từ giữa tháng 7 với giá tham chiếu là 25.800 đồng. Sau hơn ba tháng, cổ phiếu này đang giao dịch ở vùng giá 33.700 đồng.

Vốn điều lệ hiện tại của CMN là 48 tỷ đồng và chưa tăng thêm từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần cách đây 10 năm.

Có mặt trên thị trường từ trước năm 1975, nhãn hiệu mì ăn liền Colusa - Miliket với hình ảnh hai con tôm được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích và gần như độc chiếm thị trường suốt thời gian dài.

Sản phẩm của công ty đang chiếm 4% thị phần nội địa, riêng dòng mì giấy vẫn dẫn đầu thị trường với tỷ lệ 80%.

Tuy nhiên, sau năm 2000, sự gia nhập thị trường của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket dần mất đi.

Các hãng mì mới xuất hiện với nguồn lực mạnh mẽ hơn rất nhiều và đầu tư, quảng bá hình ảnh những gói mì ăn liền ấn tượng với hình ảnh minh họa trên bao bì bắt mắt cùng với kênh phân phối rộng lớn. Ra đời sau nhưng nhờ tiềm lực lớn, Vina Acecook, Masan, Asia Foods… nhanh chóng chiếm thị phần của Miliket.

Trước sự giảm sút mạnh, Miliket đã tập trung vào phân khúc bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, đầu tư dây chuyền sản xuất 500.000 gói một ngày và tung ra nhiều sản phẩm mới như bún, phở, hủ tiếu, nước tương, bột canh… nhằm tăng sức cạnh tranh, nhưng vẫn kiên quyết giữ hình ảnh đặc trưng in trên giấy kraft.

Bên cạnh đó, công ty cũng đặt mục tiêu trọng tâm là hoàn tất kế hoạch mở tổ bán hàng tại nhà phân phối, xoá bỏ hệ thống giám sát khu vực, đẩy mạnh các dòng sản phẩm mới… nhằm nâng tổng sản lượng lên 18.307 tấn, thoát đáy doanh thu và lợi nhuận trong vòng 5 năm trở lại đây.

Và với kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2017 cũng như 9 tháng đầu năm, việc lên sàn niêm yết vào đầu quý 3/2017 có vẻ như là một cú hích lớn cho Miliket. Thương hiệu Miliket, cổ phiếu CMN liên tục được truyền thông nhắc đến trong các bản tin về cơ hội đầu tư và hứa hẹn hãng mì "huyền thoại" này có nhiều khả năng "bứt tốc" trong thời gian tới.

mi goi hai con tom dang hoi sinh Người Việt không còn 'mặn mà' với mì ăn liền ?

Đã có nhiều đại gia ngoại nhảy vào thị trường mì gói Việt Nam.

Nha Trang