|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Metro VN và Big C Thái Lan sẽ hợp nhất thế nào?

07:27 | 26/08/2016
Chia sẻ
Một số doanh nghiệp và nhà cung cấp hàng hóa cho Metro Việt Nam gần đây tỏ ra lo ngại về thông tin đăng trên một số trang điện tử và báo mạng về việc chủ hệ thống phân phối Metro Việt Nam sẽ hợp nhất vào Big C ở Thái Lan.

Theo các trang điện tử, trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Tập đoàn TCC (Thái Lan) – doanh nghiệp quản lý hệ thống phân phối Metro Việt Nam và chuỗi bán lẻ lớn Big C ở Thái Lan - đã tiết lộ một kế hoạch mới là sẽ hợp nhất hai chuỗi phân phối này lại với nhau.

Thông tin này ngay lập tức gây sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng trong nước bởi đây không chỉ là hai chuỗi phân phối lớn mà gần đây chúng còn “gây bão” trong các thương vụ giao dịch mua bán-sáp nhập (M&A) với giá trị lớn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đô la Mỹ.

Mặt khác, họ còn đặt câu hỏi hệ thống Metro Việt Nam và chuỗi Big C Thái Lan hợp nhất với nhau sẽ lấy tên thương hiệu gì, trong khi ở Việt Nam vẫn đang tồn tại chuỗi bán lẻ Big C do Tập đoàn Central Group của Thái Lan sở hữu?

Và điều gây khó hiểu với nhiều người khi đọc thông tin này là pháp nhân của hai hệ thống phân phối này. Big C Thái Lan và Metro Việt Nam tuy cùng một chủ nhưng là hai pháp nhân ở hai đất nước khác nhau thì sẽ được hợp nhất như thế nào? Chẳng lẻ ông tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sẽ bán Metro Việt Nam cho Big C Thái Lan hoặc ngược lại, dù ông đang quản lý cả hai chuỗi này?

Ngay cả những người làm việc trong hệ thống Metro Việt Nam cũng khá bất ngờ và ngạc nhiên với thông tin này, vì trong nội bộ của họ vẫn chưa có thông tin và khái niệm nào liên quan đến sự hợp nhất giữa hai thương hiệu nói trên. Ngay cả các công ty tư vấn đầu tư khi được hỏi về vấn đề này họ cũng không hiểu nghĩa của từ “hợp nhất” trong vấn đề này như thế nào.

tin nhap 20160826072441
Thông qua Metro Việt Nam, TCC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản và hải sản của Việt Nam sang thị trường Thái Lan, mà cụ thể là hệ thống Big C Thái Lan.. Ảnh: Quốc Hùng

Theo nguồn tin từ Metro Việt Nam (nay được đổi tên thành Mega Market), trong cuộc viếng thăm Việt Nam của Chủ tịch TCC Group gần đây, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã có buổi tiếp xúc chia sẻ với phóng viên báo chí ở Hà Nội rằng thông qua Metro Việt Nam, TCC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản và hải sản của Việt Nam sang thị trường Thái Lan mà cụ thể là hệ thống Big C Thái Lan.

Cụ thể, TCC Group sẽ tận dụng hai hệ thống phân phối ở Việt Nam (Metro) và ở Thái Lan (Big C) của mình để hỗ trợ đưa sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Thái Lan và ngược lại. Ngoài ra, trong tương lai TCC Group sẽ đổi tên thương hiệu Metro thành MM Mega Market và sẽ phát triển thương hiệu này thành chuỗi bán buôn tại thị trường Thái Lan. “Chúng tôi sẽ mở rộng MM Mega Market song song với mảng bán lẻ Big C tại Thái Lan”, ông nói.

Một chiến lược nữa TCC sẽ thực hiện là bắt tay với nhà sản xuất Việt Nam để mở rộng sản xuất, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, để vừa đảm bảo nhu cầu phân phối trong nước, vừa hướng tới xuất khẩu. Vừa qua, 100 tấn thanh long của Việt Nam đã được TCC xuất khẩu sang Thái Lan. Đây là lô hàng trái cây đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn TCC phân phối trong hệ thống siêu thị Big C Thái Lan.

Không chỉ dừng lại ở những đơn hàng thanh long, TCC đang hoàn thiện thủ tục để được cấp phép xuất khẩu nhiều mặt hàng khác có chất lượng của Việt Nam như cam sành, khoai lang giống Nhật, chanh, vú sữa, hồng xiêm và bột gạo sang Thái Lan và nhiều nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, TCC hiện có chuỗi nhà hàng Nhật Bản Oishi rất phát triển tại Thái Lan. Thông qua Oishi, TCC sẽ tìm các nhà hàng Việt Nam để đưa sang Thái Lan phát triển thành chuỗi. Đây cũng là kênh có thể tiêu thụ một lượng lớn hàng nông sản của Việt Nam.

Như vậy thông tin "hợp nhất" giữa hai hệ thống kinh doanh của hai thương hiệu này chỉ đúng một phần ở nghĩa bóng là kết nối tận dụng hệ thống phân phối của nhau để đưa hàng hóa vào kinh doanh chứ không có ý như nghĩa đen là hợp nhất hai hệ thống doanh nghiệp này lại với nhau như các báo mạng và trang điện tử thông tin trong thời gian qua. Và ở góc độ hàng hóa Việt Nam, đây được xem là tin mừng cho doanh nghiệp chứ không phải là đáng lo vì tương lai hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm cơ hội được phân phối sang Big C Thái Lan và nhiều chuỗi phân phối khác của TCC.

Theo Quốc Hùng

Saigontimes