Mcredit có tỷ lệ nợ xấu khoảng 8%, đang chuyển dịch mô hình cho vay
Tại Hội nghị Nhà đầu tư Cập nhật kết quả kinh doanh và Triển vọng tăng trưởng năm 2024 của MB, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT, đã cập nhật cho nhà đầu tư về tình hình kinh doanh và chuyển dịch mô hình của công ty tài chính tiêu dùng Mcredit.
Được thành lập từ năm 2016, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản).
Tính đến cuối quý II/2024, Mcredit là công ty con của ngân hàng MB với tỷ lệ sở hữu 50%.
Theo ông Thái, tỷ lệ nợ xấu của Mcredit hiện nay vào khoảng 8%. Chủ tịch MB cho rằng ngành tài chính tiêu dùng nói chung hiện "vẫn đang khó" và nhóm doanh nghiệp tài chính thiên về cho vay trả góp có chất lượng tài sản tốt hơn.
"Hiện mô hình kinh doanh của Mcredit đứng giữa cho vay tiền mặt và cho vay trả góp. Hy vọng chất lượng hoạt động của Mcredit đến cuối năm sẽ tốt lên", ông Thái nói thêm.
Phân tích sâu hơn, Chủ tịch MB cho hay Mcredit cũng như hầu hết các công ty tài chính hiệu nay đều dựa trên mô hình cho vay tiền mặt, thông qua hệ thống điểm bán hàng (point of sale) tại địa bàn. Mô hình này đang áp dụng nhưng Mcredit quyết định điều chỉnh lại và sẽ chỉ tập trung vào hai mô hình chính là: cho vay trả góp và cho vay dựa trên dữ liệu được kiểm soát.
Mcredit tập trung phân tích tập khách hàng của MB và một số đối tác, nhóm dữ liệu có chất lượng của mô hình này cho điểm rồi trên cơ sở đó mới tiến hành cho vay, ông Thái thông tin về mô hình cho vay dựa trên dữ liệu.
"Kiểm soát theo hướng kiểm tra, chọn mẫu, thử nghiệm và kiểm soát chất lượng của mô hình chấm điểm. Mô hình này đã thử nghiệm cả năm nay và chất lượng đã được khẳng định. Hiện nay Mcredit có khả năng mở rộng quy mô cho vay trên hai mô hình này, với mức độ tin cậy đã được đánh giá", ông nói.
Chủ tịch HĐQT khẳng định rằng MB vẫn chủ trương mở rộng danh mục cho vay của Mcredit ở mức hợp lý. Tuy nhiên, năm nay, khả năng tăng trưởng tín dụng ở ngành tài chính tiêu dùng không lớn.
"Do đó, chúng tôi vừa tăng trưởng ở mức hợp lý, khoảng 10 - 15%, cộng với việc kiểm soát chặt chất lượng, trên cơ sở đó, làm đà cho năm sau", ông nói thêm.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023, Mcredit đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2022. Trước đó, trong kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, Mcredit từng công bố lợi nhuận sau thuế đạt 328 tỷ đồng. Như vậy, công ty tài chính tiêu dùng này đã lỗ trong nửa cuối năm 2023.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Mcredit từng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2023, công ty cho biết lợi nhuận đạt 302 tỷ đồng.