|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

MBS: Thương vụ mua lại các công ty tài chính FCCOM và HAFIC sẽ khiến thị trường M&A sôi động từ quý IV

07:20 | 15/12/2021
Chia sẻ
MBS cho biết các thương vụ M&A dự kiến sẽ nở rộ từ quý IV với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài. Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022.

Thị trường M&A sẽ nở rộ nhờ sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài

Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng COVID-19 làm thị trường M&A lắng xuống, song các thương vụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng dự kiến sẽ nở rộ từ quý IV với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài. 

Các thương vụ kỳ vọng từ quý IV/2021 trở đi là việc mua lại hai công ty tài chính FCCOM (của MSB) và CTCP Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC).

Cụ thể, MSB đang đàm phán đối tác nước ngoài sau khi thương vụ với Hyundai Card không thành. Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ (100% tiền mặt) của FCCOM là 322 tỷ, trong đó 28,4 tỷ VND là nợ xấu. Nợ xấu gia tăng làm lợi nhuận sau thuế của FCCOM giảm 64% so với cùng kỳ, đạt 2,3 tỷ VND.

Trong khi đó, CTCP Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC) đang là tâm điểm chú ý của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. TPBank, AFS (Nhật Bản), KB Kookmin Card (Hàn Quốc) đều đang thể hiện sự quan tâm với HAFIC dù công ty đang bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát đặc biệt từ 2015.

Thống kê của hãng luật White & Case cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 41 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp với tổng giá trị 3,01 tỷ USD, trong đó riêng ngành dịch vụ tài chính ghi nhận 1,47 tỷ USD.

Trong trung dài hạn, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các chuyên gia cho rằng tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn.

"Đây có thể là lý do mà các ông lớn trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành thâu tóm các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam, mở màn là việc thu mua 49% FECredit của SMFG trong năm 2021," báo cáo viết.

Theo MBS, FECredit hưởng lợi từ sự cộng hưởng với SMBC theo sau “siêu thương vụ” 2,8 tỷ USD. Trong tháng 10/2021, VPBank thành công thương vụ chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FeCredit cho đối tác SMBC với giá 1,4 tỷ USD.

Trong dài hạn, FECredit được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn chi phí thấp từ SMBC qua đó gia tăng NIM và lợi nhuận. 

Bên cạnh đó, kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của tổ chức tài chính Top 3 Nhật Bản này cũng sẽ giúp FECredit hưởng lợi khi cải thiện quy trình quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới cũng như thâm nhập các thị trường giàu tiềm năng như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan.

Ngoài ra, Ngân hàng Bank of Ayudhya của Thái Lan cũng chi 69 triệu USD mua lại SHB Finance. Tính đến 31/12/2020, tổng dư nợ tại SHB Finance là 3.689 tỷ VND, tăng 35% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 56 tỷ, giảm 34% so với cùng kỳ. 

Thương vụ này sẽ giúp ngân hàng đến từ Thái Lan tiếp cận khoảng 200.000 khách hàng của SHB Finance, giúp mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

MBS: Thị trường lấy lại đà tăng nhờ các thương vụ M&A của các tổ chức tài chính, HAFIC là tâm điểm  - Ảnh 1.

Cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022

Theo nhóm phân tích MBS, bên cạnh đẩy mạnh sản phẩm, dịch vụ thì tăng vốn điều lệ cũng là một trong những yếu tố làm tăng năng lực, sức cạnh tranh. Đồng thời, quản trị rủi ro trong các hoạt động ngân hàng được tốt hơn. 

Hơn nữa, với quy định của nhà nước về tỷ lệ vốn an toàn (CAR), các ngân hàng này đang liên tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng vốn điều lệ của mình lên. Điều này khiến cho cuộc đua tăng vốn điều lệ ngân hàng trở nên hấp dẫn và có sự thay đổi nhanh chóng trong năm 2021.

Trong năm 2021, các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ “khủng”. BIDV là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với 48.058 tỷ đồng, tiếp sau là BIDV, Vietcombank, Techcombank, Agribank, MB Bank, VPBank…

MBS cho rằng cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.

Về tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh nền kinh tế được mở cửa trở lại vào quý IV, các chuyên gia kỳ vọng mức dư nợ tín dụng ngành ngân hàng đạt khoảng 13% cả năm 2021, tương đương với các năm trước đó. 

Mức dư nợ tín dụng 13% trong dự đoán được hỗ trợ mạnh mẽ bởi những phê duyệt mới nhất của NHNN cho gia tăng chỉ tiêu tín dụng ở một số NHTM và diễn biến tăng vốn trong thời gian qua từ các NHTM.

Bước sang 2022 công ty chứng khoán cho rằng hoạt động nâng vốn điều lệ cũng như cải thiện hệ số CAR trong thời gian qua, cùng với sự “bình thường mới” của các tỉnh thành và gói hỗ trợ kinh tế lên tới 800.000 nghìn tỷ đồng được dự kiến triển khai sẽ giúp nhu cầu sản xuất kinh doanh dần phục hồi và mở rộng, tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. 

Lãi suất cho vay cũng được kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau thời gian được hỗ trợ, nới rộng NIM của các NHTM.

MBS: Thị trường lấy lại đà tăng nhờ các thương vụ M&A của các tổ chức tài chính, HAFIC là tâm điểm  - Ảnh 2.

Nguồn: MBS.

Phương Nga

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.