VNDirect: Ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam năm 2022
Tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ chậm lại
Trong báo cáo cập nhật ngành mới công bố, Chứng khoán VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chậm lại trong những quý tới.
Về tăng trưởng tín dụng, VNDirect cho rằng sẽ có sự cải thiện trong quý IV/2021 và ít nhất đạt mức 12% cho cả năm 2021. Kỳ vọng này dựa trên việc Việt Nam đã bình thường hóa kể từ tháng 10 kết hợp với các gói hỗ trợ hiện tại của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và vay mới phục vụ cho hoạt động của họ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Song, nhóm phân tích cho rằng biên lãi ròng (NIM) quý IV/2021 của các ngân hàng sẽ tương đương với quý III, do đó NIM tính chung cả năm 2021 mặc dù có cải thiện nhưng chủ yếu nhờ vào giai đoạn nửa đầu năm.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng NIM có thể giảm vào năm 2022 do các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, việc cải thiện hệ số NIM trong năm sau có thể sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng, một số nhà băng sẽ có lợi thế cạnh tranh như hệ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR); có khả năng vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong bối cảnh tỷ giá ổn định; có khả năng mở rộng cho vay cá nhân, theo đó gia tăng tỷ suất lợi nhuận.
Mặt khác, VNDirect nhận thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng có suy giảm nhẹ, tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng từ mức 1,49% cuối quý II/2021 lên 1,64% quý III/2021. Ngoài ra, nợ tái cơ cấu toàn hệ thống đã tăng từ 227.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8 lên 250.000 tỷ đồng (2,5% tín dụng hệ thống).
"Do đó, các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro ngày càng tăng", theo VNDirect.
Ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam
Trong năm 2022, VNDirect kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ. Đồng thời, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, về phân tích dòng tiền, thanh khoản thị trường tăng ổn định từ đầu năm đến nay do bối cảnh môi trường lãi suất huy động thấp.
Theo đó, xu hướng này được cho sẽ còn kéo dài hơn nữa, thậm chí đến năm 2022, được hỗ trợ bởi số lượng tài khoản cá nhân mở mới ngày càng tăng trong 2 tháng qua. Chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, ngành ngân hàng là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ sự tham gia ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân.
Dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng nhiều khả năng chậm lại trong vài quý tới, VNDirect ưu tiên các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…); có khả năng thúc đẩy vay cá nhân; chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào.
Mặt khác, rủi ro chính là việc xuất hiện các biến thể COVID-19 mới cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cao hơn dự kiến cản trở việc mở rộng cho vay.