|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

MBKE: Lãi suất tăng tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ trong quý IV và năm 2023

07:32 | 09/11/2022
Chia sẻ
Theo Chứng khoán Maybank (MBKE), đồng Việt Nam mất giá và lãi suất cao hơn gây tác động kép đối với hoạt động và tài chính của nhiều công ty trong nước, phủ thêm mây mù cho triển vọng của nền kinh tế trong năm tới.

Lãi suất tăng tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ hơn trong kết quả quý IV  

Theo Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Maybank (MBKE), mặc dù việc nới lỏng áp lực đối với VND đang giúp các nhà hoạch định chính sách dễ thở hơn, không thể loại trừ khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành 0,5 - 1 điểm % nữa trong những tháng tới do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất chuẩn lên 1,25 - 1,5 điểm % vào tháng 11 và tháng 12/2022, tạo mức tăng cao nhất trong năm nay.

Bên cạnh đó, VND đã trượt giá 8,6% so với đầu năm, có khả năng dẫn đến lạm phát cao hơn ở Việt Nam trong năm tới.

Từ đó, do sự mất giá mạnh và nhanh chóng của VND và lãi suất tăng có thể đồng nghĩa với việc các công ty có khả năng phải chịu một phần lớn chi phí tăng trong ngắn hạn. Các công ty sản xuất, đặc biệt là các công ty nhập khẩu nguyên liệu, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc giảm giá của VND.

Cả chỉ số hoạt động và tài chính của một số công ty niêm yết như doanh nghiệp sản xuất thép đều xấu đi đáng kể, một phần là do sự trượt giá 4,8% trong 9 tháng đầu năm (và 8,6% trong 10 tháng năm 2022) của VND/USD.

Trong khi VND giảm giá đang đè nặng trực tiếp lên các nhà nhập khẩu hoặc những người vay ngoại tệ, việc tăng lãi suất đang tác động mạnh nhất đến nền kinh tế.

“Cũng giống như sự biến động của tỷ giá hối đoái, việc tăng lãi suất làm tăng chi phí tài chính và thu hẹp biên lợi nhuận hoạt động do làm giảm nhu cầu tiêu dùng. Các ngành mang tính chu kỳ như tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản nhà ở có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất”, MBKE nhận định.

NHNN tăng lãi suất vào cuối tháng 9/2022, vì vậy các chuyên gia MBKE nhận định nghĩ rằng tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ hơn trong kết quả quý IV/2022.

Bên cạnh đó, đồng Việt Nam mất giá và lãi suất cao hơn gây tác động kép đối với hoạt động và tài chính của nhiều công ty trong nước, phủ thêm mây mù cho triển vọng của nền kinh tế trong năm tới. 

MBKE ước tính sơ bộ lợi nhuận phi ngân hàng sẽ giảm 5-10% so với cùng kỳ trong năm 2023 (so với dự báo trước đó là tăng trưởng 19%), trong khi các ngân hàng vẫn có thể tạo ra tăng trưởng thu nhập 10-15% so với cùng kỳ (so với dự báo trước đó là tăng trưởng 15%).

 

VND mới chỉ mất giá 2% so với USD kể từ đầu năm

Về chính sách thắt chặt tiền tệ, các chuyên gia kỳ vọng ảnh hưởng của đồng USD mạnh sẽ bắt đầu giảm bớt, giúp NHNN có thêm dư địa để linh hoạt các chính sách.

Do lạm phát nội địa chủ yếu vẫn là chi phí đẩy và chịu tác động lớn hơn bởi suy thoái kinh tế, chính phủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ chịu đựng mục tiêu lạm phát cao hơn và chuyển sang trạng thái ôn hòa từ 6 tháng cuối năm 2023 để hỗ trợ nền kinh tế trong năm tới. 

Theo MBKE, đồng VND hoạt động tốt trong hầu hết 6 tháng đầu năm, chỉ mất giá 2% so với USD (theo tỷ giá hối đoái Vietcombank) so với mức giảm 5-8% của các đồng tiền trong khu vực. Nguyên nhân là bên cạnh các tài khoản vãng lai và tài chính lành mạnh của Việt Nam, NHNN cũng chủ động can thiệp bằng cách bán trực tiếp USD ra thị trường.

Ngoài ra, NHNN tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % để nới rộng chênh lệch lãi suất và nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá VND từ ±3% lên ±5% để hạn chế đầu cơ và tiếp theo đó là tăng lãi suất điều hành lần thứ hai trong năm nay thêm 1 điểm % vào ngày 24/10 làm cho VND hấp dẫn trở lại.

Qua đó, MBKE nhận định những động thái chính sách này cùng với việc chỉ số DXY chững lại đang giúp xoa dịu thị trường ngoại hối trong nước một cách hiệu quả.

 

Huyen Vi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.