|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mặt trái của bancas [Bài 1]: 'Nhắm mắt' mua bảo hiểm để được ưu đãi lãi suất

09:05 | 27/06/2022
Chia sẻ
Nhiều người đã phải "nhắm mắt" mua bảo hiểm tại ngân hàng để được vay vốn mặc dù nhu cầu không có. Bản chất bảo hiểm là tốt nhưng cách thức chào bán đã khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh "oái oăm".

Chỉ muốn vay tiền nhưng lại phải mua thêm bảo hiểm

Đi vay 500 triệu đồng tại một ngân hàng, anh T cho biết bị nhân viên tư vấn mua bảo hiểm bảo vệ sức khoẻ với giá trị 20 triệu đồng/năm. Theo đó, nếu anh T mua bảo hiểm thì mới được ưu đãi lãi suất trong hai năm đầu (9%/năm), ngược lại mức lãi suất khi không có bảo hiểm là 11%/năm. 

Anh T cho biết theo ước tính ban đầu anh sẽ chi trả khoản vay 500 triệu đồng trong khoảng 10 năm nhưng nếu phải đóng thêm tiền mua bảo hiểm anh còn phải lo thêm 200 triệu đồng, điều này làm lệch đi kế hoạch tài chính của anh và có vẻ áp lực thanh toán sẽ cao hơn. Có khi anh sẽ phải huỷ hợp đồng bảo hiểm sau khi được ngân hàng giải ngân.

Vợ chồng anh N (Hà Nội) cho hay gia đình anh muốn vay tiền ngân hàng để mua nhà, tuy nhiên anh được nhân viên ngân hàng chào mời một gói bảo hiểm nhân thọ với lý do không mua bảo hiểm thì khó để giải ngân.

Do có hiểu biết về vấn đề này, gia đình anh N khẳng định sẽ phản ánh lên Giám đốc chi nhánh để làm rõ thì nhân viên này bắt đầu lảng tránh và dừng việc ép khách mua bảo hiểm.

Một khách hàng khác cũng cho biết phải huỷ các phương thức liên hệ với nhân viên ngân hàng vì liên tục tư vấn gói bảo hiểm trong khi vị này chỉ muốn tư vấn gói tài khoản tiết kiệm. Trong khi đó, nhiều khách hàng VIP cũng không tránh khỏi việc bị nhân viên ngân hàng làm phiền mời mua bảo hiểm khi có dư dả tiền trong tài khoản.

Là vấn đề đã tồn tại nhiều năm, song mỗi lần được đưa lên các diễn đàn trên mạng xã hội, cách ngân hàng bán bảo hiểm khiến không ít người bức xúc, không chỉ đối với khách hàng mà ngay chính nhân viên ngân hàng cũng "than trời".

Mới đây mạng xã hội xôn xao về chia sẻ của một nhân viên ngân hàng quyết định nghỉ việc vì không thể ép khách hàng mua bảo hiểm. 

“Mình đã chọn nghỉ ngân hàng vì không muốn bán bảo hiểm. Khách hàng trung niên vay 500 triệu sửa nhà, gia đình không khá giả (đủ chi trả gốc, lãi) nhưng sếp ép phải kí được bảo hiểm tối thiểu 30 triệu đồng mới cho vay.

Bản chất bảo hiểm rất tốt nhưng sự kết hợp của bảo hiểm và ngân hàng cùng với sức ép KPI đề ra làm cho hình ảnh nó xấu đi nhiều quá. Chúc anh chị em đồng nghiệp ở lại với nghề chân cứng đá mềm".

Một nhân viên khác cho biết thật sự mới đầu vào ngân hàng cảm thấy thấy áp lực kinh khủng vượt sức tưởng tượng. Vào thử việc đòi hỏi nhân sự bán bảo hiểm nhân thọ 20 triệu không có thì ép bán cho người nhà.

"Mình đã cố trụ lại nhưng đến bây giờ khi tìm khách hàng có những lãi gói vay 100 - 200 triệu đồng bảo hiểm khoản vay và nhân thọ lên đến 30 triệu đồng thì hỏi còn ai muốn vay nữa, phê duyệt chậm, giải ngân phải xin nguồn lãi suất cao," nhân viên này cho hay.

Quy định một đường, làm một nẻo?

Trên thực tế, mặc dù việc nghiêm cấm "ép" khách hàng mua bảo hiểm đã được các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề cập nhiều lần nhưng những câu chuyện bị "oái oăm" khi mua bảo hiểm tại các ngân hàng vẫn xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, mạng xã hội. 

Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Tại họp báo mới đây, Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát, ông Trần Đăng Phi nhận định thời gian qua, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để tình trạng có nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm sau đó mới thực hiện giải ngân.  

"Đâu đó có những lúc, những chỗ xảy ra tình trạng này, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến", ông Phi cho biết.

Ông khẳng định việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.

Dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh Bảo hiểm mới đây đã quy định hành vi "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm" là hành vi bị nghiêm cấm đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, hướng dẫn chi tiết và các chế tài liên quan sẽ được quy định rõ ràng trong các văn bản dưới luật tiếp theo. 

Trong báo cáo đánh giá về tác động củaDự thảo sửa đổi Luật kinh doanh Bảo hiểm của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia phân tích cho rằng trong những năm vừa qua, việc cá nhân vay vốn buộc phải mua kèm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là điều khá phổ biến.

Tuy nhiên, gần đây theo quan sát của chúng tôi, một số ngân hàng đã đưa ra lựa chọn cho khách hàng có thể vay vốn với lãi suất cho vay ưu đãi (khoảng 0,2 - 0,8 điểm %) nếu họ chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoặc vay vốn với lãi suất thông thường nếu không chọn mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. 

"Theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp tất cả các ngân hàng chuyển đổi sang cách thức này, việc bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng có thể không bị coi là một hình thức ép buộc", báo cáo viết. 

Phương Nga

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.