|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACB dẫn đầu về doanh thu phí bán bảo hiểm qua ngân hàng 4 tháng đầu năm

08:00 | 21/06/2022
Chia sẻ
ACB đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí bảo hiểm tương trong 4 tháng đầu năm 2022 với 565 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết Ngân hàng Á Châu (ACB) đã vươn lên và xếp vị trí thứ nhất về doanh thu phí bảo hiểm (APE) 4 tháng đầu năm với tổng phí APE là 565 tỷ đồng. Trong năm 2021, ngân hàng đứng thứ 5 xét về doanh thu phí bảo hiểm khoảng 1.300 tỷ đồng.

ACB đã ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Sun Life vào năm 2020 và theo chuyên gia phân tích củaYuanta Việt Nam với vị thế là một ngân hàng bán lẻ "thực thụ" ACB có lợi thế vượt trội trong việc bán chéo bảo hiểm bancassurance.

Theo quan điểm của Yuanta Việt Nam, tập khách hàng chất lượng của ACB sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm trong thời gian tới.

 Nguồn: Dữ liệu doanh nghiệp, Yuanta tổng hợp.

Đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm là Ngân hàng Quân đội (MB). Khác với các ngân hàng trong hệ thống, MB vận hành một công ty bảo hiểm là MB Ageas Life với tỷ lệ cổ phần sở hữu là 61% vàsở hữu 68,4% cổ phần tại công ty con bảo hiểm phi nhân thọ là CTCP Bảo Hiểm Quân Đội (MIC). 

MB Ageas Life được thành lập dựa trên sự hợp tác với các đối tác bảo hiểm nhân thọ như là Ageas of Belgium (công ty này sở hữu 29%) và Muang Thai Life Insurance của Thái Lan (10%) đã đi vào hoạt động từ năm 2016.

Theo các chuyên gia phân tích, tỷ lệ sở hữu của MB tại công ty con bảo hiểm là một chiến lược khả quan do doanh thu phí bancasssurance đang bùng nổ. Nhờ đó ngân hàng nhận được khoản phí trả trước và cả những khoản hoa hồng từ công ty con bảo trong tương lai.

Ngoài ra, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ lợi nhuận từ phí bảo hiểm và đầu tư trong dài hạn từ công ty con.

Bên cạnh đó, khi các công ty con này tiến hành IPO (nếu xảy ra) có thể sẽ là một chất xúc tác khả quan cho cổ phiếu của MB nhưng có thể là trong tương lai xa, có thể là 3-5 năm tới, theo đánh giá của công ty chứng khoán.

Rủi ro hoạt động đối với các ngân hàng thương mại (bao gồm cả MB) khi đầu tư vào công ty con trong mảng bảo hiếm là yêu cầu về vốn. Các quy định của Việt Nam tuân theo các tiêu chuẩn của Basel, theo quy định của Thông tư 41 của NHNN thì các khoản đầu tư của NHTM vào các công ty con / công ty liên doanh trong mảng bảo hiểm phải được loại trừ khi tính vốn Cấp 1 và tổng vốn CAR.

Loạt hợp đồng bảo hiểm độc quyền mang lại khoản trả trước khổng lồ 

"Ông lớn" Vietcombank đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền (thời hạn 15 năm) với FWD và khoản phí trả trước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là khoản phí được công bố cao nhất trên thị trường.

Công ty chứng khoán cho rằng Vietcombank có lợi thế cạnh tranh lớn so với các ngân hàng khác nhờ vào mạng lưới hoạt động và tệp khách hàng rộng khắp các tỉnh,thành.

Ngoài ra, chiến lược của Vietcombank là chuyển hướng sang mảng bán lẻ. Lợi thế cạnh tranh vượt trội của VCB là lợi thế chi phí vốn dẫn đầu ngành, giúp Vietcombank linh hoạt hơn so với các ngân hàng khác trong việc thuyết phục khách hàng vay và mua bảo hiểm tại ngân hàng. 

VietinBank đã ký kết hơp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife trong năm 2022. VietinBank xếp vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí APE trong 4 tháng 2022 với 324 tỷ đồng (tăng 200% so với cùng kỳ). 

 Nguồn: Dữ liệu doanh nghiệp, Yuanta tổng hợp.

Một số thỏa thuận bancassurance độc quyền đáng chú ý khác có thể kể đến như MSB - Prudential (15 năm), OCB - Generali (15 năm), SeABank - Prudential (20 năm), TPBank -  Sun Life (15 năm), Techcombank -  Manulife (15 năm),...

Sacombank và Dai-ichi Life cũng ký thỏa thuận bancassurance độc quyền (thời hạn 20 năm) vào năm 2017, nhưng sau đó hai bên đã tái đàm phán và ký hợp đồng mới vào năm 2021.

Còn VPBank đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền 15 năm với AIA vào năm 2017, nhưng sau đó đã tái đàm phán vào năm 2021 với phí độc quyền cao hơn – một xu hướng chung ở thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.

VPBank có tổng doanh thu phí APE năm 2021 cao thứ 7 trên thị trường, và đã vươn lên xếp hạng 6 với tổng APE là 378 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ) trong 4 tháng năm 2022. VPBank cũng lên kế hoạch mua lại OPES, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong khi đó HDBank hiện đang tìm kiếm đối tác bancassurance độc quyền mới. Ngân hàng cũng vừa thành lập Khối Bảo hiểm vào tháng 9/2020. Trong 4 tháng đầu năm, HDBank có doanh thu phí APE cao thứ 5 trên thị trường.  

Phương Nga