|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mất tiền và uy tín vì cộng tác viên bán hàng, doanh nhân địa ốc rút ra bài học đắt giá khi dựa vào người ngoài

07:31 | 11/02/2020
Chia sẻ
Hành vi thổi phồng thông tin dự án và bịa các ưu đãi dành cho người mua của cộng tác viên môi giới địa ốc khiến Bùi Vĩnh Tuấn phải chi hàng chục tỉ đồng để dàn xếp các khiếu nại của khách hàng.

Ngay từ khi còn đang học trường Đại học Bách Khoa TP HCM, Bùi Vĩnh Tuấn đã thành lập một công ty công nghệ. Hoạt động kinh doanh đang thuận lợi, Tuấn gặp tai nạn khiến anh phải sống thực vật gần một năm. May mắn thoát chết, nhưng anh mất cả công ty, tiền lẫn tương lai phía trước.

Bắt đầu lại với nghề bán bất động sản

Quay lại cuộc sống bình thường, Tuấn tìm cơ hội với ngành bất động sản. Anh rời Đồng Nai để tới Bình Dương, nơi anh đầu quân vào một doanh nghiệp bất động sản với vị trí nhân viên kinh doanh. Với sự nhạy bén của người từng điều hành doanh nghiệp, anh thăng tiến lên vị trí trưởng phòng trước khi trở thành giám đốc kinh doanh.

Sau khi cảm thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm, mối quan hệ và vốn, Tuấn quyết định tự kinh doanh vào năm 2016 bằng cách thành lập công ty địa ốc. Ban đầu, anh gọi vốn vào những dự án bất động sản nhỏ, xây dựng công trình rồi bán.

Cuối năm 2016, hàng loạt dự án bất động sản xuất hiện ở Đồng Nai khiến thị trường bất động sản ở đây trở nên sôi động. Nhiều doanh nghiệp từ các nơi khác tới Đồng Nai để tìm dự án khiến nguồn hàng trở nên khan hiếm hơn. Với lợi thế là doanh nghiệp địa phương nên hiểu rõ thị trường, lại có nhiều mối quan hệ, công ty của Tuấn vẫn có nguồn hàng dồi dào.

Mất tiền và uy tín vì cộng tác viên bán hàng, doanh nhân địa ốc khi dựa vào người ngoài để phân phối căn hộ - Ảnh 1.

Bùi Vĩnh Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc công ty địa ốc Boss Land. Ảnh: Công ty Boss Land

Mặc dù vậy, đầu ra lại là vấn đề nan giải với Tuấn. Vì công ty mới ra đời, anh không có nhiều tiền để tuyển đội ngũ nhân viên kinh doanh hùng hậu như những "đại gia" môi giới bất động sản từ TP Hồ Chí Minh.

"Vừa ôm nguồn hàng lớn, lại vừa phải tự lo kiếm khách hàng, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đối mặt nguy cơ thâm hụt tài chính", Tuấn kể.

Đúng lúc ấy, Tuấn nghĩ ra một giải pháp: Hợp tác với các công ty môi giới ở nơi khác, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh. Công ty của Tuấn có nguồn hàng, còn họ có khách hàng.

Rắc rối lớn vì mánh khóe của cộng tác viên môi giới

Năm 2017, Tuấn hợp tác với hàng chục sàn giao dịch bất động sản và thỏa thuận tỉ lệ hoa hồng với họ để cùng bán hàng. Giải pháp đơn giản ấy giúp anh có ngay hơn 1.000 cộng tác viên bán hàng.

"Doanh số tăng vọt, nhưng tình trạng bán căn hộ một cách vội vã với những điều khoản lỏng lẻo với khách đã dẫn tới nhiều sự cố", Tuấn thổ lộ.

Để chốt khách nhanh, nhiều cộng tác viên kinh doanh đã tô vẽ quá mức về dự án, tiến độ bàn giao, điều kiện thanh toán, tiềm năng sinh lời. Thậm chí họ còn bịa ra rằng, chỉ cần thanh toán 50% giá trị căn hộ, khách hàng có thể nhận sổ đỏ.

Hàng loạt vấn đề mới phát sinh – như khách hàng đòi sổ đỏ khi mới thanh toán 50% giá trị căn hộ, rủ nhau tới công ty để đòi những quyền lợi không tồn tại trong hợp đồng giao dịch.

Không muốn mất uy tín, Tuấn chấp nhận chi trả đủ khoản hoa hồng 10% giá trị mỗi hợp đồng cho đối tác trung gian dù họ thổi phồng thông tin về dự án khiến công ty của anh phải xử lí hậu quả. Song số lượng người đòi bồi thường vẫn tăng, buộc công ty phải chi hàng chục tỉ đồng để dàn xếp.

Cơn bĩ cực ấy buộc Tuấn phải lựa chọn một trong hai giải pháp. Nếu tiếp tục kinh doanh theo cách cũ, công ty sẽ tiếp tục mất uy tín, mất khách, mất tiền và thậm chí có thể rời khỏi thị trường. Nhưng nếu sàng lọc cộng tác viên môi giới và kiểm soát chặt các đối tác, họ có thể ngừng hợp tác khiến anh không có khách.

Chiến lược "xây nhà trên đất riêng"

Mất ngủ trước thách thức lớn, Tuấn gặp các nhân viên kinh doanh và cộng tác viên để tìm hiểu tâm tư của họ. Ngoài ra, anh cũng gặp khách hàng và biết rằng ưu tiên hàng đầu của họ là sản phẩm tốt, pháp lí bảo đảm, dự án hoàn thành đúng tiến độ, chủ đầu tư tuân thủ cam kết.

Nhận ra những yêu cầu cốt lõi của khách hàng lại là những điểm mạnh của công ty, Tuấn quyết định kiểm soát chặt các giao dịch và đối tác bán hàng để tránh thiệt hại cho khách hàng và rủi ro cho công ty. Muốn đạt mục tiêu đó, anh phải có sàn giao dịch riêng.

Mất tiền và uy tín vì cộng tác viên bán hàng, doanh nhân địa ốc khi dựa vào người ngoài để phân phối căn hộ - Ảnh 2.

Tự lập sàn giao dịch để phân phối bất động sản, rồi phát triển phần mềm kết nối cung-cầu trong thị trường bất động sản là những giải pháp lớn của Bùi Vĩnh Tuấn trong hành trình kinh doanh. Ảnh: Công ty Boss Land

Năm 2018, Tuấn thành lập sàn giao dịch Đông Dương Group ở TP HCM, tuyển 300 người rồi đào tạo thành nhân viên kinh doanh để thay thế dần những đối tác bán hàng. Ngoài sản phẩm của công ty, sàn còn phân phối hàng của những doanh nghiệp địa ốc khác.

Khi sàn giao dịch đã "chắc chân" trong thị trường, Tuấn siết chặt yêu cầu với các đối tác, buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu cung cấp thông tin sai và bồi thường cho khách hàng nếu rủi ro xảy ra vì lỗi của họ.

Do uy tín của sàn tăng dần, Đông Dương Group dần mở rộng phạm vi kinh doanh sang nhiều địa phương khác – như Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang.

"Pháp lí minh bạch, sản phẩm tốt nên hơn 80% nhà đầu tư quay lại với chúng tôi. Đến nay chúng tôi thực hiện hơn 2.000 giao dịch mỗi năm và trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường địa ốc", Tuấn nhấn mạnh.

Thành công của Đông Dương Group thôi thúc Tuấn phát huy tố chất công nghệ của một kĩ sư Bách Khoa. Năm 2019, anh đầu tư hàng chục tỉ đồng để phát triển ứng dụng Boss Land – nền tảng kết nối bên bán với người mua bất động sản.

Người sử dụng Boss Land có thể tiếp cận dễ dàng các chuyên gia bất động sản và dịch vụ pháp lí để thẩm định dự án, hợp đồng, giao dịch. Nhờ đó, người mua và bên bán đều có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch.

"Boss Land là món quà tri ân mà chúng tôi dành cho thị trường bất động sản, với mong muốn góp một phần công sức để ngành trở nên minh bạch hơn, trở thành điểm sáng của nền kinh tế", anh Tuấn phát biểu.

Nhạc Phong