|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Mất mốc 900 điểm: VN-Index lạc nhịp với thị trường chứng khoán quốc tế

09:28 | 19/11/2018
Chia sẻ
Dù chỉ số không phản ánh bao quát diễn biến của tất cả các mã cổ phiếu, nhưng việc VN-Index mất mốc 900 điểm cũng ít nhiều tác động đến tâm lý chung của các nhà đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

mat moc 900 diem vn index lac nhip voi thi truong chung khoan quoc te

900 điểm và những cảm nhận về sự khập khiễng

Quan sát diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây cho thấy, thị trường đang ở trạng thái dễ bị “tổn thương” với những thông tin bên ngoài, đặc biệt là các thông tin không tích cực.

Nhưng điều mà nhà đầu tư băn khoăn là thị trường điều chỉnh không vì lý do nào. Ở nhiều giai đoạn, chứng khoán Việt Nam giảm từng được lý giải là do ảnh hưởng từ biến động tiêu cực TTCK thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ; nỗi lo cuộc chiến thương mại toàn cầu ảnh hưởng đến nền sản xuất chung...

Tuy nhiên, lý do này trở nên “ngớ ngẩn” khi xét trong phiên cuối tuần qua, chỉ số DowJones tăng hơn 200 điểm, nhưng TTCK Việt Nam vẫn hầu như… bất động. Sự thực này khiến nhiều người cho rằng, thị trường Việt Nam thường biến động giảm cùng chiều với thị trường thế giới, nhưng lại không hồi phục cùng chiều.

Nếu bỏ qua các diễn biến từng phiên và nhìn trong xu hướng dài hạn hơn sẽ thấy, từ tháng 4/2018 tới nay, diễn biến TTCK Việt Nam vẫn khớp với diễn biến giảm của các TTCK thế giới, ngoại trừ các thị trường mạnh như Nhật và Mỹ.

Điểm đặt niềm tin TTCK sẽ tích cực trở lại đến từ nội lực của doanh nghiệp Việt, với đà tăng trưởng mạnh trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp các quý gần đây, đặt biệt là quý III/2018 (lợi nhuận của khối DN niêm yết tăng hơn 20%)

Mối tương quan giữa các thị trường ngày càng lớn hơn bởi giờ đây các quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ ETFs vốn tác động lớn tới chỉ số hoạt động trên nhiều thị trường cùng lúc và họ hành xử tương đối giống nhau khi thị trường tài chính thế giới chao đảo vì các biến cố vĩ mô chung.

Trong ngắn hạn, sự lạc nhịp của thị trường tài chính Việt Nam và thế giới, theo CTCK VNDIRECT, là một bí ẩn và hầu hết chúng ta dù không muốn cũng phải thừa nhận sự thật này.

Những rung lắc liên tục trên thị trường Mỹ tạo nên dư chấn đến thị trường Việt Nam, ngay cả những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm cũng có phần e dè với thị trường. Hệ quả là thanh khoản sụt giảm mạnh và hiện đang ở mức quanh 4.000 tỷ đồng/phiên.

TTCK Việt Nam vẫn trầm lắng dù bối cảnh quốc tế có nhiều tín hiệu tích cực, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp vừa qua; đàm phán thương mại Mỹ - Trung được nối lại và đàm phán Brexit đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.

Chưa kể, nhà đầu tư huyền thoại Mark Mobius đã nhận định đây là thời điểm để giải ngân mạnh tay trên thị trường mới nổi. Với những thông tin tích cực đó, lẽ ra tâm lý thị trường Việt Nam phải được hồi phục và dòng tiền sẽ chảy mạnh trở lại. Tuy nhiên, hiện tại điều “lẽ ra” đó chưa xảy ra.

Ông Anirban Lahiri, Giám đốc phân tích VNDIRECT cho rằng, những nhà đầu tư có lẽ đang nhìn xa hơn khi cho rằng chính sách cắt giảm thuế hết tác dụng tại Mỹ. Điều này đặt ra một câu hỏi liên quan đến nền kinh tế có độ mở thương mại lớn như Việt Nam: Khi mà tác dụng của việc giảm thuế qua đi, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ như thế nào?

“Tất nhiên, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam - nước Mỹ gặp khó khăn thì nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng kinh tế Việt Nam có sự nhạy cảm hơn vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”, ông Anirban Lahiri nhận xét.

Đối với biến động thị trường trong ngắn hạn, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược, CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, thị trường sẽ nghiêng về cơ hội hồi phục khi VN-Index nhận được sự hỗ trợ tại vùng kháng cự 889 - 892 điểm.

Một diễn biến tích cực khác là mới gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một văn bản nhằm đáp ứng nhu cầu của Mỹ đối với các cải cách thương mại trên phạm vi rộng.

Đây được coi là động thái có thể kích hoạt các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ở góc nhìn phân tích kỹ thuật, CTCK Vietinbank cho rằng, ngưỡng 840 điểm mới là ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index.

Chứng khoán sẽ đi ngang và có sóng cuối năm

Việc thị trường giảm, bất luận không có các thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư “hoài nghi” với những phiên hồi phục sau đó.

Anh Hưng, một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm nhìn nhận, nếu thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong vài phiên tới với việc lôi kéo được dòng tiền đứng ngoài vào “tham chiến”, nghĩa là có sự phản ứng với các cơ hội hoặc đã cảm thấy tham lam thì đó là tín hiệu tích cực.

Ngược lại, nếu dòng tiền vẫn “dửng dưng” trong các nhịp hồi phục kỹ thuật (nếu có), thì nhà đầu tư nên tiếp tục chờ đợi cho đến khi có các dấu hiệu xác nhận. Điều quan trọng là tìm được mức giá hợp lý, chứ không phải là mức giá thấp nhất.

Thực tế, rất khó để nhận định TTCK Việt Nam đã tạo đáy hay chưa, do chỉ số hiện tại chịu ảnh hưởng chi phối bởi nhiều yếu tố ngoại biên khó đoán định.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index vẫn đang chịu tác động mạnh bởi các cổ phiếu vốn hóa lớn mà gần đây xuất hiện nhiều biến động bất thường (VIC, VHM, HPG…).

Điểm đặt niềm tin TTCK sẽ tích cực trở lại đến từ nội lực của DN Việt. Với đà tăng trưởng mạnh trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp các quý gần đây và đặt biệt là quý III/2018 (lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết tăng hơn 20%), trong khi P/E của TTCK Việt Nam đang ở mức 15,8 lần, tương đương vùng đáy 2 năm, thị trường đang có nhiều cơ hội mua vào. KBSV đánh giá, mặt bằng giá cổ phiếu hiện đang khá hấp dẫn và an toàn cho mục đích đầu tư dài hạn.

Chứng khoán Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn biến động giảm “quá đà” mà không rõ nguyên nhân, trong bối cảnh các TTCK lớn có diễn biến khá ổn định và tạo đáy ngắn hạn trở lại.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam có thể yếu hơn và tạo đáy chậm hơn các thị trường quốc tế, nhưng xu hướng và mức độ hồi phục vẫn có thể tương đồng trong thời gian tới (dài hạn). Giới đầu tư thì kỳ vọng nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ sớm kết thúc và chứng khoán Việt Nam sẽ thiên về hướng đi ngang trước khi đón một đợt sóng vào cuối năm.

Xem thêm

Hoàng Anh