|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Made in China' và nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc

09:14 | 11/04/2017
Chia sẻ
Nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ đang hiện hữu khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược "Made in China" của mình. Việt Nam cần phải nhìn rộng ra thế giới trước khi phụ thuộc vào công nghệ đến từ Trung Quốc.
made in china va nguy co tro thanh bai rac cong nghe cua trung quoc
Cẩn trọng vấn đề môi trường từ các dự án đầu tư đến từ Trung Quốc. (Ảnh: Dân trí).

'Made in China' đang trỗi dậy

Chia sẻ tại buổi Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức chiều qua 10/4, câu hỏi được cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt ra là vốn Trung Quốc đang đổ về Việt Nam ngày càng mạnh, với mức đầu tư 11 tỷ USD, vượt qua nhiều nước lên hàng thứ 3 trong số các nhà đầu tư trong quý I năm nay và vì sao?

Trong khi đó, từ tháng 2/2015, Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch "Made in China" nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nước này trong vòng 10 năm tới. Chính phủ Trung Quốc ưu tiên đầu tư để phát triển 10 ngành công nghệ cao như chế tạo người máy, thiết bị hàng không không gian, xe hơi sử dụng năng lượng mới, vận tải công nghệ cao, tàu và thiết bị hàng hải công nghệ cao... thay thế các công nghệ lạc hậu hiện tại.

Khi Trung Quốc thực hiện các chiến lược thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao trong nước, nguy cơ đẩy "rác" công nghệ cũ lạc hậu sang các nước như Việt Nam rất lớn, TS Lương Văn Khôi đã nhận định như vậy trong đoạn báo cáo Rủi ro từ Kinh tế Trung Quốc của mình.

TS. Lương Văn Khôi chỉ ra Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Theo ông, khả năng họ sẽ chuyển những nhà máy này sang Việt Nam và thực tế thời gian qua đã có những dự án như vậy "lọt" vào Việt Nam.

Ông Khôi cho biết không loại trừ bất kỳ khả năng nào, rất có thể đây là một phần trong chiến lược "Made in Chia" của Trung Quốc. Đặc biệt khi học đang khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp cao, vì vậy việc dư thừa phải tìm cách thải loại là điều có cơ sở.

Có tự mắc bẫy công nghệ?

Chính cựu Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển cũng tự trả lời cho trăn trở của mình về nguy cơ vốn Trung Quốc do chính Việt Nam vẫn nặng nề tư duy nhiệm kỳ, chú trọng đến tăng trưởng khi chưa thực sự quan tâm đến mấu chốt vấn đề đang thực sự xảy ra.

"Các nước khác tăng đầu tư thì mừng nhưng Trung Quốc tăng đầu tư thì tôi e ngại nhiều mặt", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn bày tỏ. Bà dẫn chứng rất nhiều thời gian Mỹ, Úc nghi ngờ khi một số sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sang các nước không phải là sản phẩm Trung Quốc được "đóng gói, dán nhãn" tại Việt Nam. Theo bà có thể đầu tư này chỉ là nhận FDI về lắp ráp thay và như vậy sẽ ảnh hướng đến cả uy tín xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa kể, Việt Nam có tiêu chuẩn môi trường thấp khiến các nhà đầu tư Trung Quốc muốn chuyển nhà máy sang đây. "Nếu Việt Nam hồ hởi với các dự án này sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuẩn cao hơn chuyển sang nước khác bởi không được ưu đãi xứng đáng", bà Lan chia sẻ.

"Vấn đề Việt Nam và Trung Quốc là do chính Việt Nam", TS Võ Trí Thành thẳng thắn. Các tiêu chuẩn về đầu tư và môi trường của Việt Nam không thấp hơn Trung Quốc nhưng trên thực tế Việt Nam không chú trọng thực thi nghiêm túc. Thể chế để giám sát các hoạt động đầu tư này có nhưng Việt Nam không thực hiện cho đúng.

Nhận xét chung nhất về bản chất đầu tư này, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chỉ ra rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không mang công nghệ cao đi đầu tư như nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, đường đi lại không minh bạch như Mỹ.

Cần nhìn rộng ra thế giới

Cùng chủ đề nóng về nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ, tại buổi họp báo của ADB, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick chia sẻ hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

Giám đốc ADB Việt Nam cho rằng nguy cơ Trung Quốc đẩy công nghệ thấp lạc hậu sang các nước láng giềng trong đó có Việt Nam đang hiện hữu. Các doanh nghiệp (Việt Nam) cũng sẽ có xu hướng nhập khẩu công nghệ chi phí thấp do hạn chế về ngân sách và muốn cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cần nhìn chi phí công nghệ trong vòng đời của nó thay vì lợi ích khi nhập vào. Sẽ hợp lý nếu công nghệ nhập đắt lúc đầu nhưng hiệu suất cao. Ông lo ngại, tuy biết rằng rẻ chưa chắc đã tốt nhưng rẻ là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khi nhập khẩu.

Dù vậy, Giám đốc ADB tin tưởng và hy vọng Việt Nam sẽ không trở thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc. Ông đưa ra phân tích rằng Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nên Việt Nam sẽ nhìn rộng ra trên toàn thế giới để xem thế giới có những công nghệ gì.

"Tôi đánh giá rằng Việt Nam cần chú ý sát sao đến diễn biến ở nước láng giềng lớn Trung Quốc và xem xét công nghệ hiện đại trên thế giới. Nếu nhập khẩu chỉ được nhập công nghệ phù hợp và phải nhập đa dạng từ nhiều chứ không phải một quốc gia", ông Eric Sidgwick chia sẻ.

Thái Hoàng