|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lý giải lệnh mua đột biến từ khối tự doanh CTCK phiên rung lắc 11/8

10:13 | 12/08/2022
Chia sẻ
Phiên 11/8 khối tự doanh bất ngờ mua ròng gần 450 tỷ đồng cổ phiếu, cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục cuối tháng 6. Bên cạnh đó giao dịch tự doanh phái sinh cũng tăng mạnh so với các phiên trước đó. Hai giao dịch này có mối quan hệ như thế nào với nhau?

Tự doanh có phiên mua ròng đột biến, tập trung rổ VN30

Phiên hôm qua (11/8) tưởng chừng thị trường chứng khoán Việt Nam có một phiên giao dịch khởi sắc theo xu hướng quốc tế. Thông tin CPI của Mỹ cho tín hiệu tạo đỉnh và thấp hơn dự báo giúp giới đầu tư có trạng thái tâm lý giao dịch tích cực hơn. Quan sát diễn biến giao dịch ngay đầu phiên cho thấy thị trường mở cửa trong sắc xanh và VN-Index duy trì mức tăng trên 10 điểm.

Nhưng lực bán ròng mạnh cuối phiên khiến VN-Index đảo chiều giảm kể từ 14h00. Lực mua tăng lên thời gian cuối và trong phiên ATC giúp chỉ số thu hẹp đà giảm. Đóng cửa phiên giao dịch, sắc đỏ áp đảo với số mã giảm giá trên thị trường gấp gần 3 lần số mã tăng giá.

Việc thị trường đảo chiều với khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ ngày 22/4 khiến nhà đầu tư lo ngại VN-Index tạo đỉnh trong ngắn hạn.

 Thống kê giao dịch từ khối tự doanh. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Tuy nhiên, trái với diễn biến giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân – bộ phận chiếm thanh khoản lớn của thị trường, khối tự doanh công ty chứng khoán lại có phiên mua ròng cổ phiếu mạnh nhất kể từ khi thị trường bước vào nhịp hồi phục cuối tháng 6 và đầu tháng 7. 

Theo thống kê, khối tự doanh CTCK mua ròng 445,2 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HOSE phiên hôm qua. Hoạt động mua vào nhẹ trên HNX và UPCoM đẩy giá trị mua ròng cổ phiếu toàn thị trường lên 449,9 tỷ đồng.

Tại sàn HOSE, hoạt động mua vào chủ yếu qua phương thức khớp lệnh. Khối tự doanh mua vào 636,6 tỷ đồng và bán ra 176,6 tỷ đồng, chênh lệch hai chiều là 460 tỷ đồng.

 Giao dịch tự doanh với rổ VN30 phiên 11/8. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Cổ phiếu rổ VN30 là tâm điểm vào ròng của khối tự doanh. Tổng giá trị mua ròng cả nhóm đạt gần 406,4 tỷ đồng, tương đương 91,3% giá trị mua ròng trên toàn sàn HOSE. Ngoại trừ FPT bị bán, các mã còn lại được mua ròng với giá tị từ 1 đến 30 tỷ đồng.

Ba mã chứng khoán HPG, VPB, MSN dẫn dầu về quy mô mua ròng với giá trị lần lượt là 30,3 tỷ đồng, 29,2 tỷ đồng và 28,3 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác ghi nhận giá trị mua trên 20 tỷ đồng có MBB, TCB, MWG, VNM, VHM, ACB, VIC và NVL.

Cùng với thị trường cơ sở, giao dịch phái sinh có phần nhộn nhịp. Tổng khối lượng giao dịch của khối tự doanh là 6.781 hợp đồng, tương ứng giá trị 867,2 tỷ đồng. Đây là quy mô thanh khoản cao nhất kể từ phiên giao dịch 21/7, nhiều hơn tổng khối lượng của ba phiên liền kề trước đó. Trong đó, khối tự doanh mở vị thế Mua (Long) và Bán (Short) trong phiên 11/8 là 3.315 hợp đồng và 3.466 hợp đồng.

 Giao dịch chứng khoán phái sinh của khối tự doanh. Nguồn: Thu Hà tổng hợp.

Lý giải động thái giao dịch từ khối tự doanh

Theo ông Nguyễn Văn Hòa Thuận, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán Yuanta Việt Nam – Chi nhánh Vũng Tàu, việc khối tự doanh đẩy mạnh giao dịch trên thị trường phái sinh và mua rổ VN30 – tài sản cơ sở của thị trường phái sinh nhiều khả năng khối này thực hiện giao dịch chênh lệch giá (arbitrage).

Về lý thuyết, khi hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có trạng thái basis dương, tức đang giao dịch với mức cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30-Index. Khối tự doanh có thể tham gia giao dịch arbitrage bằng cách mở vị thế Bán (Short) phái sinh và mua chứng khoán cơ sở. Chiều ngược lại, với trạng thái basis âm, khối này sẽ mở vị thế Mua (Long) phái sinh và bán chứng khoán cơ sở.

Trong những phiên giao dịch gần đây, giao dịch phái sinh trong trạng thái basis âm khi VN30-Index luôn đóng cửa cao hơn so với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (VN30F2208).

Đỉnh điểm 4/8, basis lên tới âm 20,23 điểm khi VN30F2208 đóng cửa ở 1.257,5 điểm trong khi VN30-Index ở 1.277,73 điểm. Trong các phiên 1 - 4/8, basis âm trong khoảng 10 – 20 điểm, sau đó thu hẹp dần lại những phiên gần đây. Basis của phiên hôm qua giảm còn âm 4,33 điểm.

 Lượng OI của VN30F2208 trong những phiên gần đây. Nguồn: Nguyễn Văn Hòa Thuận tổng hợp.

Ngoài ra, một tín hiệu khác cũng được quan tâm đó là một khối nào đó tích lũy vị thế, có thể quan sát thông qua khối lượng mở (open interest – OI) là tổng vị thế Long/Short giữ qua đêm. Khi lượng OI tăng đột biến là điểm nhà đầu tư có thể chú ý khi giao dịch phái sinh.

Chú ý với hợp đồng VN30F2208, OI tăng từ 41.749 hợp đồng tại ngày 1/8 lên 57.254 hợp đồng ngày 10/8. Trong phiên hôm qua, khối lượng OI của VN30F2208 giảm từ 57.254 hợp đồng xuống còn 51.833 hợp đồng. Đồng nghĩa rằng 5.421 hợp đồng đã đóng vị thế.

Lưu ý rằng, trong khoảng thời gian OI tăng, khối tự doanh công ty chứng khoán ưu tiên vị thế Mua (Long) trong khoảng thời gian 28/7 – 4/8. Mức chênh lệch tổng vị thế Mua (Long) và Bán (Short) trong khoảng thời gian trên là 7.329 hợp đồng. Những phiên sau đó, khối tự doanh đảo vị thế, Bán (Short) chiếm ưu thế. Lượng vị thế Bán (Short) hôm qua là 3.466 hợp đồng, cao nhất từ phiên 22/7.

Như vậy, khả năng khối tự doanh đã chốt lời một phần cho vị thế Mua (Long) trước đó khi đã Bán (Short) phái sinh mà đẩy mạnh mua vào cơ sở hôm qua.

Nguyễn Văn Hòa Thuận - Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán Yuanta Việt Nam