|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lý do ông lớn Samsung chọn Việt Nam làm 'đất lành'

08:10 | 15/04/2018
Chia sẻ
The Economist lý giải về quan hệ chặt chẽ hai bên đều có lợi giữa tập đoàn Hàn Quốc Samsung với Việt Nam. Tờ báo kinh tế Anh đặt câu hỏi: Tại sao Samsung của Hàn Quốc lại là công ty lớn nhất tại Việt Nam? Và ghi nhân đây là nơi mà tập đoàn Hàn Quốc sản xuất đại bộ phận điện thoại thông minh của mình.
ly do ong lon samsung chon viet nam lam dat lanh
Nữ công nhân Việt Nam trong nhà máy sản xuất của Samsung

Cho đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17 tỷ USD, với những nhà máy tạo ra gần 1/3 lượng sản phẩm mà tập đoàn Hàn Quốc xuất khẩu trên toàn thế giới.

Chi nhánh tại Việt Nam của Samsung đã trở nên tối quan trọng đối với Việt Nam vì là doanh nghiệp sử dụng đến hơn 100.000 nhân viên, đạt được doanh số 58 tỷ USD vào năm ngoái, giúp Việt Nam chiếm vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Một mình Samsung đã chiếm gần một phần tư tổng xuất khẩu của Việt Nam trong năm ngoái, với trị giá lên đến 214 tỷ USD.

Một chi tiết thú vị được The Economist nêu bật: Nhà máy chính của Samsung ở Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam, sử dụng hơn 60.000 người. Ba nhà ăn tập thể của nhà máy này cần đến khoảng 13 tấn gạo mỗi ngày. Đây là nhà máy có sản lượng điện thoại di động lớn hơn bất kỳ cơ sở sản xuất nào khác trên thế giới.

Samsung đã mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Nhờ tập đoàn Hàn Quốc, Thái Nguyên và tỉnh Bắc Ninh lân cận đã trở thành hai trong số những địa phương tăng trưởng ấn tượng nhất nước.

Nhà hàng, cửa hàng và khách sạn mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp Samsung. Số lượng các công ty Việt Nam được coi là nhà cung cấp quan trọng cho Samsung đã tăng lên gấp 7 lần trong 3 năm qua.

Và Samsung đã nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam. Trong số 108 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam đã nhận được kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, một phần ba xuất xứ từ Hàn Quốc.

Ngoài Samsung, còn có LG - một người khổng lồ khác của Hàn Quốc, sản xuất màn hình truyền hình trong nhà máy trị giá 1,5 tỉ USD tại cảng Hải Phòng. Hay tập đoàn Lotte chuyên doanh siêu thị và trung tâm thương mại.

Đối với Samsung, Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn thay thế của Trung Quốc. Trước hết, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, đông đảo và giá rẻ. Đấy từng là lợi thế của Trung Quốc, nhưng ngày nay thì công nhân Trung Quốc bình quân đã già hơn 7 tuổi so với Việt Nam, và lương lai đắt hơn gấp hai lần so với Việt Nam.

Lao động giá rẻ giúp Samsung hạ thấp chi phí sản xuất, tạo cho nhà sản xuất điện thoại thông minh Hàn Quốc một lợi thế cạnh tranh so với Apple. Trong lúc nhiều nước khác trong khu vực có xu hướng xuất khẩu nguyên liệu hoặc linh kiện sang Trung Quốc để được lắp ráp thành sản phẩm, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thành phẩm hoàn chỉnh.

Việt Nam cũng là một hàng rào có giá trị, giúp tránh được rủi ro thương mại từ Trung Quốc. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc tổ chức tẩy chay các công ty và sản phẩm của Hàn Quốc để trừng phạt chính quyền Seoul vì đã cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Mặc dù hệ thống này nhằm mục đích bảo vệ chống lại một cuộc tấn công từ Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh cho rằng nó có thể được dùng để làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Cuộc tẩy chay dù đã kết thúc, nhưng đã làm cho các nhà đầu tư Hàn Quốc rất lo ngại.

Trái lại, Việt Nam đang tự do hóa nền kinh tế để đón chào giới công nghiệp nước ngoài. Năm 2015, Việt Nam đã mở cửa 50 ngành công nghiệp cho nước ngoài và giảm nhẹ ràng buộc trong hàng trăm ngành khác.

Việt Nam đã bán đi phần lớn cổ phần của Sabeco, hãng sản xuất bia quốc doanh lớn nhất, cho một công ty nước ngoài vào năm ngoái. Theo The Economist, sự nhiệt tình của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại tự do đã khiến cho Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng là một thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại đa phương bao gồm cả Úc, Canada và Nhật Bản. Việt Nam cũng sắp ký kết một hiệp định thương mại với Liên hiệp Châu Âu. Thỏa thuận đã ký với Hàn Quốc vào năm 2015 đã giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vừa có chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3, cùng với các đại diện của Samsung và nhiều công ty khác.

Đây là chuyến đi thứ hai của ông tới Việt Nam trong vòng chưa đầy một năm đắc cử tổng thống. Các cố vấn của tổng thống Hàn Quốc đã cho rằng Hàn Quốc không nên tự thỏa mãn với việc trở thành «con tôm giữa bầy cá voi» như Trung Quốc và Nhật Bản, mà trái lại phải trở thành một cường quốc khu vực bằng cách kết minh với các đồng minh nhỏ hơn.

Nếu thực hiện được mục tiêu này sẽ giúp Hàn Quốc trở thành một "chú cá heo", làm chủ được vận mệnh của chính mình. Và tại Việt Nam, kế hoạch của Hàn Quốc đã như cá gặp nước, The Economist đánh giá.

Phú Lộc