|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do Fed nên cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay

10:32 | 01/02/2023
Chia sẻ
Khảo sát của CNBC cho thấy các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế hàng đầu dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023. Các dữ liệu kinh tế gần đây và bình luận từ nhiều giám đốc tài chính cho thấy vấn đề lạm phát mà Chủ tịch Powell lo ngại nhất là tăng trưởng tiền lương đang có dấu hiệu suy yếu.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed. (Ảnh: Reuters). 

Lộ trình lãi suất chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ khá rõ ràng trong vài tháng tới. Theo khảo sát Fed Survey của CNBC, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế hàng đầu tin chắc rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này và rất có thể là cả trong cuộc họp tiếp theo. Song, sau đó, giữa thị trường và Fed sẽ nảy sinh sự bất đồng.

100% người trả lời khảo sát của CNBC dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 1/2, và 82% dự đoán đợt tăng lãi suất tháng 3 sẽ có quy mô tương tự.

Đông đảo người tham gia khảo sát cược rằng sau đó, Fed sẽ hành động ngược lại và đưa lãi suất về dưới 5%. Điều này có nghĩa là Fed sẽ kéo lãi suất lên trên mức 5% và nhanh tay cắt giảm, đưa lãi suất cuối năm 2023 về mức 4,6%.

Vì sao Fed sẽ chùn bước? Thứ nhất, lạm phát trong nhiều lĩnh vực đang hạ xuống, bao gồm lạm phát hàng hóa và lạm phát tiền lương – mối quan tâm số một của Chủ tịch Jerome Powell.

Thứ hai, ngày càng nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong những tháng tới, dù Fed sẽ không thừa nhận điều đó và phải gắn bó với lập trường “cuộc chiến còn lâu mới kết thúc”.

Các dữ liệu trong những ngày gần đây đã khích lệ thị trường. Chỉ số Chi phí Nhân công cho thấy tăng trưởng tiền lương đang giảm tốc.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân không gồm giá năng lượng và thực phẩm (core PCE) tháng 12 tăng thấp hơn tháng liền trước. Core PCE là thước đo lạm phát ưa thích của giới chức Fed. Cùng lúc đó, GDP Mỹ cũng tăng trưởng vững vàng hơn dự kiến.

 

Niềm hy vọng về kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm” cũng được phản ánh trong Fed Survey và thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 1. Nhưng chi tiêu tiêu dùng cũng đã sụt giảm trong vài tháng qua, khiến bức tranh vĩ mô thêm rối rắm.

Fed cũng hiểu rằng sự giảm tốc của nền kinh tế do tác động của các đợt tăng lãi suất có thể nhanh chóng biến thành suy thoái trước khi họ kịp phản ứng, bất kể các quan chức có báo hiệu điều gì với thị trường.

Nỗi sợ suy thoái đã dịu bớt trong khảo sát Fed Survey mới nhất nhưng vẫn ở mức cao. Khoảng 51% người trả lời dự đoán suy thoái sẽ xảy ra. Trung bình trong các giai đoạn bình thường, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 20%.

Trước khi cuộc họp tháng 3 bắt đầu, Fed sẽ có thêm nhiều dữ liệu lạm phát mới. Điều này sẽ giúp ích cho giới chức Fed trong việc xác định lộ trình phù hợp cho lãi suất.

Trong những bài phát biểu gần đây, Thống đốc Fed Christopher Waller khẳng định: “Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đạt được mục tiêu lạm phát 2% và nhiều khả năng tôi sẽ ủng hộ Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Ông cũng nói rằng thị trường đang “quá lạc quan rằng lạm phát sẽ cứ thế mà tan biến”. Ông nhấn mạnh: “Fed sẽ phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn, trong lâu hơn và không bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay”.

Nhưng ông Waller không loại trừ khả năng nền kinh tế hạ cánh mềm và ngân hàng trung ương Mỹ kiểm soát được lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Các thành viên trong Hội đồng Giám đốc Tài chính (CFO Council) của CNBC đã nhóm họp vào sáng 31/1 để thảo luận về Fed Survey và nền kinh tế. Dưới đây là một số vấn đề kinh tế mà các giám đốc tài chính tại những công ty hàng đầu chỉ ra:

Việc tăng giá bán hàng đang ngày càng được thực hiện một cách có chiến lược

Một trong những vấn đề then chốt trong cuộc chiến chống lạm phát là việc doanh nghiệp đẩy gánh nặng của giá cả gia tăng sang phía người tiêu dùng.

Lạm phát hàng hóa đang đi xuống nhanh chóng khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng được tháo gỡ và chi phí nguyên vật liệu sụt giảm. Tuy vậy, doanh nghiệp không giảm giá bán cho khách hàng ngay lập tức. 

Một CFO trong ngành tiêu dùng nói rằng doanh nghiệp đang tăng giá bán một cách có chiến lược hơn, thay vì tăng đồng loạt. Ví dụ, doanh nghiệp có thể giảm giá nhiều hơn cho khách khi đặt hàng qua ứng dụng, trong khi mua tại cửa hàng thì không.

Trung Quốc mở cửa trở lại là chìa khóa cho nền kinh tế thế giới

Một số CFO đánh giá lĩnh vực tiêu dùng suy yếu mạnh nhất là hàng điện tử. Họ bình luận rằng hầu như chẳng ai mua điện thoại di động, máy tính xách tay hay bất kỳ thiết bị điện tử cá nhân nào.

Điện tử tiêu dùng là một trong những lĩnh vực mà mọi ánh mắt đổ dồn về Trung Quốc. Các công ty đang chờ đợi xem liệu lĩnh vực này có phục hồi nhờ chi tiêu của người tiêu dùng ở nền kinh tế thứ hai thế giới không không.

Tác động của Trung Quốc lên lạm phát có thể là con dai hai lưỡi. Tuy vậy, triển vọng kinh tế có vẻ đã sáng sủa hơn vài tháng trước. Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và nâng dự báo tăng trưởng.

Áp lực tăng lương giảm xuống, ít nhất là trong ngành công nghệ

Các CFO cho rằng công chúng không nên xem tin tức về các vụ sa thải hàng loạt tại những công ty công nghệ lớn là dấu hiệu cho sự suy yếu của thị trường lao động.

Nhưng làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ và thời kỳ khó khăn đối với các startup được đầu tư vốn mạo hiểm cho thấy một số lĩnh vực của thị trường lao động đã trở nên bớt căng thẳng.

Thêm vào đó, một số CFO cho biết tỷ lệ nhân viên thôi việc đã giảm “khá đáng kể” – xuống còn một nửa so với mức đỉnh. Ít nhất là trong ngành công nghệ, các nhân viên đã bớt táo bạo trong việc yêu cầu tăng lương và nghỉ việc nếu không được đáp ứng. Tỷ lệ nhân viên xin nghỉ giảm một nửa và áp lực lương thưởng giảm đều là những dấu hiệu tích cực cho các chủ lao động. 

Giang