Lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có hợp lý?
Đây là kiến nghị vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được, trong bối cảnh, Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo lần 2 về đề xuất sửa đổi 5 Luật thuế. Theo đó, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được sửa đổi, bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường, trừ các sản phẩm sữa.
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt với lý do giảm tỷ lệ béo phì. |
Bất lợi cho doanh nghiệp
Các Hiệp hội trong ngành chế biến thực phẩm khẳng định đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt chưa có những cơ sở khoa học hợp lý cho điều kiện tại Việt Nam, và nếu được thông qua sẽ gây bất lợi rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như đối với đời sống nhân dân.
Các hiệp hội này cho rằng, về mặt khoa học, theo Tổng điều tra dinh dưỡng 2009-2010 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và UNICEF, phần trăm đường, bánh kẹo, nước ngọt đóng góp vào năng lượng tiêu thụ hàng ngày của người Việt Nam là 1,6%. Như vậy, đóng góp vào năng lượng tiêu thụ hàng ngày của riêng nước ngọt chắc chắn thấp hơn 1,6%. Việc áp thuế TTĐB đối với sản phẩm chỉ đóng góp dưới 1,6% tổng năng lượng để nhằm mục tiêu giảm thừa cân, béo phì rõ ràng là bất hợp lý vì 98,4% năng lượng do các thực phẩm khác, như đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đóng góp mới là yếu tố quan trọng gây nên tình trạng thừa cân, béo phì đó.
Theo VCCI, hiện chưa có đánh giá cụ thể về việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ giúp làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam. |
Thêm vào đó, các Hiệp hội này khẳng định, “nước ngọt” là một từ có nghĩa rất rộng và không rõ ràng. Điều này có nghĩa là bất kỳ sản phẩm uống được và có bất kỳ loại đường nào, bao gồm cả các sản phẩm sữa, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt cho trẻ em, người già, phụ nữ có thai cũng như thực phẩm dinh dưỡng y học dùng cho bệnh nhân đều có thẻ bị coi là "nước ngọt".
Nếu bị đánh thuế TTĐB, giá của các mặt hàng này sẽ tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống và sức khỏe của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người già và bệnh nhân; trong khi tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em còn rất nhiều.
Do đó, đại diện này đề xuất, dự thảo Luật cần phải sử dụng từ “nước giải khát” thay cho từ “nước ngọt” để phân biệt các sản phẩm đùng để giải khát với các sản phẩm dinh dưỡng.
Chưa có đánh giá giảm được tình trạng béo phì
Việc bảo vệ sức khỏe người dân trước những tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì là hợp lý. Tuy nhiên, theo VCCI, hiện chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc, liệu đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ giúp làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, với mức thuế 10% như đề xuất của Bộ Tài chính, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp mía đường, nông dân trồng mía chịu ảnh hưởng, mà có thể cả những doanh nghiệp, nông dân trong các ngành cà phê, chè, trái cây, thậm chí cả ngành sữa cũng bị ảnh hưởng.
Về vấn đề này, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam cho rằng, không có bằng chứng nào chứng minh rằng việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn. Trong khi đó đã có bằng chứng chứng minh việc đánh thuế này có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc đánh thuế TTĐB cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của người dân.
Về giải pháp, Chủ tịch AmCham Vietnam nhấn mạnh, ngoài các biện pháp như tuyên truyền và giáo dục đối với người tiêu dùng, đặc biệt là lớp trẻ, về thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh, cần yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp đầy đủ thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và đồ uống để người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn.