|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng ACB được phê chuẩn áp dụng Basel II

08:40 | 23/04/2019
Chia sẻ
Sau khi chia 30% cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ tăng lên 16.627 tỉ đồng; trong năm 2019 nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, tăng trưởng lợi nhuận ròng 13%.
Ngân hàng ACB được phê chuẩn áp dụng Basel II - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP ACB sáng ngày 23/4 (Ảnh: BM)

Ngân hàng thứ 6 tại Việt Nam được áp dụng chuẩn Basel II

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Tại đại hội, Chủ tịch Trần Hùng Huy tiết lộ ACB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho áp dụng chuẩn Basel II ngày 22/4 vừa qua, đồng thời trở thành ngân hàng thứ 6 tại Việt Nam làm được điều này trước thời hạn 2020. 

NHNN cũng đã ký quyết định chuẩn y cho Ngân hàng ACB thực hiện chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu cho các cổ đông trong năm 2019. ACB cũng đàm làm việc với NHNN để tăng tín dụng trong năm 2019 tương ứng việc được áp dụng chuẩn Basel II.

Lợi nhuận quý I đạt 1.670 tỉ đồng, tự tin hoàn thành kế hoạch 2019

Trong quý đầu năm 2019, ban lãnh đạo nhà băng này cho hay lợi nhuận đem về khoảng 1.670 tỉ đồng, qua đó ACB tự tin vào việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. 

Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng ngân hàng tăng 3%, huy động tăng 2%; con số này thấp hơn cùng kỳ năm ngoái do kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài. 

Duy trì tỉ lệ nợ xấu 0,8%

Về công tác xử lý nợ xấu, ban lãnh đạo ACB cho biết khoản nợ 400 tỉ đồng tại Ngân hàng xây dựng đang được đảm bảo bằng 3 tài sản giá trị thị trường 600 tỉ đồng. ACB đang phối hợp với Ngân hàng Xây dựng, cũng xin ý kiến của NHNN để có thể thu hồi khoản nợ này, tuy nhiên thời điểm khi nào vẫn còn đang bỏ ngỏ. 

Ban lãnh đạo cho biết, hàng năm ACB có kế hoạch xử lý khoảng 1.700 tỉ đồng, năm 2018 đã vượt kế hoạch. Trong năm 2019 ngân hàng đặt mục tiêu tương đương với kế hoạch hoàn nhập khoảng 600 tỉ đồng. 

Năm 2019, ngân hàng tiếp tục giữ mục tiêu tỉ lệ nợ xấu 0,8%, ban lãnh đạo cho biết sẽ làm triệt để để có thể kiểm soát nợ xấu ngay từ đầu. 

Đại diện NHNN khen ACB xử lý nợ xấu tốt

Có mặt tại đại hội cổ đông Ngân hàng ACB, ông Võ Văn Thuần - Cục phó thanh tra giám sát NHNN tại địa bàn TP HCM đánh giá cao công tác quản trị điều hành của ngân hàng trong thời gian qua. 

Lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay, công tác xử lý nợ xấu tốt, không còn nợ tại VAMC, tỉ lệ nợ xấu dưới 1%. 

Ông Thuần đánh giá ngân hàng tuân thủ pháp luật, chỉ đạo của NHNN quản lý hoạt động kinh doanh tiền tệ, qua đó tính an toàn hoạt động cao. HĐQT, ban lãnh đạo ngân hàng đoàn kết. 

Tuy nhiên trong sự tuân thủ có sự chuyển biến mới, ngân hàng đã thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đầu tư hạn chế rủi ro nhất. Hiện nay các tổ chức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán, ACB cũng đầu tư mà chủ yếu đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ. 

Đại diện NHNN đưa ra góp ý, ngân hàng tiếp tục theo phương án cơ cấu của NHNN; cân đối lại ngồn vốn, đầu tư đối tượng phù hợp; hạn chế đầu tư vào lĩnh vực nhiều rủi ro như NHNN đã nêu. Cuối cùng ngân hàng cần quan tâm thêm về công tác quản trị điều hành lĩnh vực ví điện tử, nên mang tính chậm mà chắc. 

Kế hoạch tăng trưởng lãi ròng 13% năm 2019

Năm 2019, Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 15% lên 378.733 tỉ đồng, tín dụng tăng 13% lên 265.106 tỉ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 15% lên 310.498 tỉ đồng, duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận trước thế 7.279 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.823 tỉ đồng.

Ngân hàng ACB được phê chuẩn áp dụng Basel II - Ảnh 2.

Kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu trong năm 2019

Trong năm 2018, nhà băng này đạt lợi nhuận ròng 5.137 tỉ đồng, ACB sau đó lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 30% (tương đương trích số tiền 3.741 tỉ đồng). Kế hoạch chi trả cổ tức trong năm 2019 cũng sẽ là 30%, tuy nhiên sẽ có 10% trả bằng tiền mặt. 

Tại đại hội lần này, ACB trình lên việc phát hành thêm hơn 374 triệu cổ phiếu trả cổ tức, dự kiến sẽ nâng tổng vốn điều lệ sau khi phát hành thành công lên 16.627 tỉ đồng.

Ngân hàng ACB được phê chuẩn áp dụng Basel II - Ảnh 3.

Cơ cấu cổ đông của ACB sau khi phát hành tăng vốn

Theo kế hoạch, lượng vốn tăng thêm dùng 2.035 tỉ đồng cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn. Số còn lại hơn 1.700 tỉ đồng sẽ được dùng để mua sắm thêm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ phục vụ hoạt động của các chi nhánh…

Trong đó các khoản chi lớn gồm cải tạo di dời trụ sở kênh phân phối theo mô hình nhận dạng thương hiệu mới 553 tỉ đồng, xây dựng văn phòng 479 tỉ đồng, các dự án SOBA, Thẻ, Mobile Banking, triển khai ý tưởng kinh doanh mới 272 tỉ đồng, đầu tư thêm cho hệ thống ATM 139 tỉ đồng…

Ngân hàng ACB cũng sẽ trình lên đại hội phương án ủy quyền cho HĐQT bán cổ phiếu quỹ. Ngân hàng hiện có hơn 41,4 triệu cổ phiếu quỹ. Một phần việc bán cổ phiếu quỹ sẽ được dùng tạo nguồn cổ phiếu thưởng cho người lao động ACB.

Theo kế hoạch, ngân hàng dự kiến bán tối đa 6,222 triệu đơn vị với giá bán sẽ không thấp hơn giá vốn trung bình 16.072 đồng/cp. Xin lưu ý là trên thị trường, cổ phiếu ACB kết thúc phiên giao dịch ngày 22/4 ở mức 29.300 đồng/đơn vị. Thời gian thực hiện sẽ trong năm 2019, cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. 

Về vấn đề này, Chủ tịch Trần Hùng Huy cho hay, ACB đã thực hiện trích quỹ khen thưởng cho người lao động 100 tỉ đồng, số tiền này sẽ được trích mua cổ phiếu quỹ, sau đó thưởng ESOP cho người lao động, người lao động sẽ không trực tiếp mua cổ phiếu. 

Cũng liên quan vấn đề lương thưởng, Ngân hàng ACB trình lên phương án nâng tỉ lệ thù lao cho HĐQT và BKS trên lợi nhuận sau thuế từ 0,5% lên 0,6%. Năm 2018, nhóm này nhận được tổng cộng 24,8 tỉ đồng tiền thù lao dựa trên kết quả kinh doanh đạt được.

Bạch Mộc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.