|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng trung ương toàn cầu cao nhất sau 31 năm

07:12 | 07/01/2022
Chia sẻ
Sức mạnh đồng USD giảm mạnh được cho là nguyên nhân khiến tổng lượng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lên mức kỷ lục sau 31 năm.

Tổng số lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương lần đầu tiên đạt mức cao nhất là 36.000 tấn kể từ năm 1990, dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy. Số liệu mới nhất được cập nhật sau thông tin ghi nhận các ngân hàng đã bổ sung thêm tới 4.500 tấn kim loại quý trong thời gian khoảng 10 năm. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến kết quả này.

Đồng USD giảm, dự trữ vàng tăng

Theo thông tin của tạp chí Bitcoin News, lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương tính đến tháng 9/2021 đã tăng lên mức cao mới là 36.000 tấn lần đầu tiên kể từ năm 1990. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đánh giá mức tăng này đạt kỷ lục cao nhất suốt 31 năm, chính thức đạt 36.000 tấn sau khi các ngân hàng bổ sung tới 4.500 tấn kim loại quý trong thập kỷ qua.

Lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng trung ương toàn cầu cao nhất sau 31 năm - Ảnh 1.

Tổng lượng vàng dự trữ tại ngân hàng TW toàn cầu tăng cao kỷ lục. (Nguồn: Cryptoknowmics)

Trong một báo cáo do Nikkei Asia công bố, WGC cho rằng ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương các quốc gia khắp thế giới có "sở thích" lưu trữ vàng vì sự suy giảm của đồng USD. 

Báo cáo giải thích chi tiết là do chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dẫn đến nguồn cung USD tăng lên. Sự gia tăng nguồn cung USD có nghĩa là giá trị của đồng USD so với vàng giảm mạnh không chỉ trong năm 2021 mà còn trong suốt 1 thập kỷ.

Để hỗ trợ giả thuyết rằng các ngân hàng trung ương đang ngày càng ưu tiên tích lũy vàng, báo cáo nêu ví dụ như Ba Lan – ngân hàng trung ương của quốc gia này được cho là đã mua khoảng 100 tấn vàng vào năm 2019. 

Liên quan đến việc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) mua vàng, chủ tịch WGC Adam Glapinski nhận định nguyên nhân là vì kim loại quý này không liên quan trực tiếp đến nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào và điều này giúp vàng có khả năng vượt qua tình trạng bất ổn toàn cầu trên thị trường.

Đầu tư vàng không có rủi ro?

Ngoài việc tương đối miễn nhiễm với những thay đổi dữ dội trên thị trường tài chính, vàng thường được cho là không có rủi ro tín dụng và đối tác. Báo cáo được đưa ra dựa trên các phân tích thì đây là một trong những lý do khiến Hungary tăng dự trữ vàng lên hơn 90 tấn.

Báo cáo cũng gợi ý rằng các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi cũng đang cố gắng hạn chế hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương này đang tích trữ vàng dự trữ của họ để hạn chế việc các nền kinh tế tương ứng tiếp xúc với đồng tiền pháp định mất giá của họ.

Lượng vàng dự trữ tại các ngân hàng trung ương toàn cầu cao nhất sau 31 năm - Ảnh 2.

Vàng được xem là công cụ chống lạm phát truyền thống được ưa thích nhất. (Nguồn: News24)

Trước năm 2009, nhiều ngân hàng trung ương thích tăng nắm giữ các tài sản bằng USD như chứng khoán Kho bạc Mỹ sau khi bán vàng. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dẫn đến dòng tiền chảy ra từ trái phiếu chính phủ Mỹ, niềm tin vào đồng USD đã giảm xuống từ thời điểm đó.

Như dữ liệu tháng 9 của WGC cho thấy, vàng một lần nữa trở thành công cụ được các ngân hàng trung ương sử dụng để bảo vệ tài sản của họ. Tuy nhiên, vào năm 2021 thì vàng vẫn bị cho là tài sản khiến các nhà đầu tư thất vọng vì có vẻ như kém hiệu quả hơn trong vai trò là tài sản chống lạm phát truyền thống.

Với thế hệ trẻ, bitcoin được coi như vàng để bảo vệ tài sản trước lạm phát

Giáo sư tài chính của Trường Wharton, Jeremy Siegel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC Squawk Box cuối tuần trước rằng với những người thuộc thế hệ trẻ thì có vẻ như các tài sản ảo như bitcoin đang dần thay thế vàng và được coi như tài sản chống lạm phát hiệu quả. 

Ông Siegel lập luận: "Hãy đối mặt với thực tế, tôi nghĩ bitcoin có vai trò như một biện pháp bảo vệ lạm phát trong tâm trí của nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi, có thể thay thế vàng. Đồng tiền kỹ thuật số là vàng mới cho thế hệ Millennials. Tôi nghĩ rằng câu chuyện về vàng là một sự thật rằng thế hệ trẻ đang coi bitcoin là tài sản thay thế".

Ông Siegel cũng nhắc đến việc các thế hệ cũ đã chứng kiến vàng đã tăng giá như thế nào trong thời kỳ lạm phát những năm 1970. "Lần này, vàng không có lợi", ông nói thêm.

Trong năm 2021, vàng đã giảm giá tới 5% (thị trường vàng thế giới) và bị xem như năm tồi tệ nhất từ năm 2015, không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. Trong khi đó, bất chấp những biến động lớn về giá trong suốt năm 2021, bitcoin đã tăng khoảng 70% vào cuối năm 2021.

Một số nhà đầu tư nổi tiếng trên toàn cầu đã ủng hộ bitcoin nhiều hơn so với vàng vào năm 2021, chẳng hạn như tỷ phú Mark Cuban lập luận rằng bitcoin "tốt hơn vàng" vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, ngay cả khi bitcoin ngày càng trở thành một tài sản phổ biến hơn so với vàng, nhiều chuyên gia tài chính vẫn chưa tin rằng bitcoin thực sự có hiệu quả trong phòng ngừa lạm phát.

Thu Phương