Lượng than Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong tháng 7 cao nhất 5 năm
Theo Reuters, lượng than giá rẻ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga trong tháng 7 tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trung Quốc đã nhập khẩu 7,42 triệu tấn than từ Nga vào tháng 7, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan công bố hôm 20/7. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 6/2017 với mức 6,12 triệu tấn.
Các nước phương Tây tránh nhập khẩu than của Nga trước lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với mặt hàng này có hiệu lực từ ngày 11/8, nhằm làm giảm doanh thu năng lượng của Điện Kremlin.
Các quan chức EU cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Nga vì khối 27 quốc gia châu Âu là đối tác thương mại than lớn nhất. Khi EU không còn mua than của Nga nữa, nước này có thể thiệt hại doanh thu khoảng 8 tỷ Euro (8,3 tỷ USD) mỗi năm.
Đây là một biện pháp nằm trong gói trừng phạt thứ 5 nhắm thẳng vào ngành năng lượng của Moscow sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, Nga là nguồn cung 45% lượng than nhập khẩu cho khối này, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những người mua lớn nhất. Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, gần 70% than nhiệt được EU sử dụng trong sản xuất điện và sưởi ấm là do Nga cung cấp.
Điều này buộc Nga phải tìm đến các thị trường tiêu thụ khác trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ và bán với giá triết khấu cao.
Giá than nhiệt cao cấp (loại 5.500 kcal) của Nga giao dịch ở mức 150 USD/tấn vào cuối tháng 7. Trong khi đó, cùng loại than này, tại Australia giao dịch ở mức hơn 120 USD/tấn.Trong tháng 7, Trung Quốc không nhập khẩu than từ Australia.
Một số công ty của Trung Quốc dự báo lượng than nhập khẩu vào nước này trong quý IV sẽ còn tăng mạnh bởi nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông cao.
Trong khi đó, lượng nhập khẩu than thấp cấp (loại 3.800 kcal) từ Indonesia ở mức 11,7 triệu tấn, tăng 22% so với tháng 6 nhưng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc tăng cường đấu thầu mua than nhiệt của Indonesia trong tháng 8 vì giá rẻ hơn các nguồn cung nội địa, trong khi đó, nhu cầu điện tăng do các đợt nắng nóng kỷ lục. Giá than loại 3.800 kcal được giao dịch quanh mức 78 USD/tấn (FOB), thấp hơn nhiều so với giá nội địa là 101 USD/tấn nếu tính cả tiền vận chuyển.