|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lùi sửa đổi Luật Đất đai đến bao giờ?

21:13 | 25/03/2019
Chia sẻ
Nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn khi Chính phủ xin lùi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đến sau năm 2020.
Lùi sửa đổi Luật Đất đai đến bao giờ? - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Ngày 25-3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 17 cho ý kiến về Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn khi Chính phủ xin lùi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đến sau năm 2020.

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) vẫn cho rằng “nếu cứ mãi nghiên cứu thì đến bao giờ mới sửa đổi những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai thi hành Luật? Chính phủ đã trình, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra, và Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình, bây giờ đề xuất xin rút ra khỏi chương trình không có thời hạn là phải xem xét lại”.

Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, hiện còn một số vấn đề phức tạp, chưa thống nhất ý kiến, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Chẳng hạn, vấn đề đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…

Bên cạnh đó, thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 6-9-2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Bày tỏ băn khoăn về đề xuất này, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai sửa đổi. Còn khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thi lại đề xuất kịp thời sửa đổi Luật Đất đai. Lý do của sự khác nhau này”?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa, Luật Đất đai mới triển khai thực hiện được 4 năm. Về tích tụ, tập trung đất đai, hiện nay theo quy định, hạn mức này là hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân, còn với doanh nghiệp là không có hạn mức. Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ thực hiện đề án nghiên cứu về tích tụ đất đai. “Bộ Tài nguyên và Môi trường xin lùi dự án luật, đồng thời trình một số đề án thí điểm tích tụ đất đai. Sau khi thí điểm, căn cứ vào mô hình thành công sẽ có đề xuất cụ thể sửa đổi Luật Đất đai” – bà Nguyễn Phương Hoa giải thích. Đối với cấp phép xây dựng, do đất ở nông thôn, đô thị có cơ chế khác nhau từ trước đến nay, nên phải tách thành hai loại đất riêng. Việc cấp phép xây dựng lại thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng. Mặt khác, qua giám sát của Quốc hội cũng thấy có một số vướng mắc giữa các luật, một số điểm chưa hợp lý... Những tồn tại này cần có thời gian nghiên cứu, điều chỉnh nên đề nghị lùi lại đến sau năm 2020.

Mặc dù đã nghe giải trình, song ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) vẫn cho rằng “nếu cứ mãi nghiên cứu thì đến bao giờ mới sửa đổi những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai thi hành Luật? Chính phủ đã trình, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra, và Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình, bây giờ đề xuất xin rút ra khỏi chương trình không có thời hạn là phải xem xét lại”. Ông Lê Xuân Thân cho biết, khi Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, cử tri rất phấn khởi, nhưng nay lại bị lùi. Trong khi đó, tình trạng khiếu nại tố cáo đông người, biểu tình chủ yếu liên quan đến đất đai đang gây bất ổn cho xã hội. Các vụ án hình sự, cán bộ vi phạm pháp luật, gây thất thoát lãng phí lớn tài sản của Nhà nước cũng liên quan đến đất đai…

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, quả thực dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ càng. Tuy không thể đưa ngay vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ cân nhắc làm rõ một số vấn đề và cố gắng thực hiện theo hướng xin lùi thời gian trình, chứ không nên theo hướng rút khỏi chương trình. “Như vậy mới là thực hiện đúng theo kết luận của Bộ Chính trị”, người đứng đầu Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Đổi mới Luật Đất đai: Kỳ III - Cần đột phá trong quy hoạch sử dụng đấtĐổi mới Luật Đất đai: Kỳ III - Cần đột phá trong quy hoạch sử dụng đất Đổi mới Luật Đất đai: Kỳ II- Đổi mới vấn đề phân loại đấtĐổi mới Luật Đất đai: Kỳ II- Đổi mới vấn đề phân loại đất Đổi mới Luật Đất đai: Kỳ I-Nhiều khó khăn trong việc thực hiện thanh tra, kiểm traĐổi mới Luật Đất đai: Kỳ I-Nhiều khó khăn trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra

Anh Phương