Đổi mới Luật Đất đai: Kỳ III - Cần đột phá trong quy hoạch sử dụng đất
8 đột phá trong quy hoạch sử dụng đất
Việc thực hiện bước đột phá về quy hoạch sử dụng đất cần lưu ý một số vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia được Quốc hội phê duyệt, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán…là một đạo luật như Dự toán Ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất là thực hiện sự phân bố lực lượng sản xuất, phân bố dân cư, phân bố các hoạt động xã hội, phân bố nguồn lực tài chính của toàn quốc gia. Quy hoạch sử dụng đất phải là nền tảng - cơ sở thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và ngược lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là căn cứ để xây dựng (lập) quy hoạch sử dụng đất. Việc phân bổ lực lượng sản xuất, phân bổ dân cư, phân bổ nguồn lực phải trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế quốc dân, phát triển các vùng miền đều phải căn cứ vào quyhoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Việc đổi mới quy hoạch sử dụng đất được kỳ vọng sẽ xóa bỏ sự trục lợi từ đất đai theo nhiệm kỳ. |
Thứ ba, thực hiện kỳ quy hoạch dài hạn, trong thời gian thực hiện quy hoạch không được điều chỉnh, cụ thể như sau:
Đối với đất nông nghiệp, kỳ quy hoạch tối thiểu là 50 năm và tốt nhất là 100 năm.
Đối với đất phi nông nghiệp, kỳ quy hoạch tối thiểu là 25 năm, tốt nhất là 50 năm.
Thứ tư, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải được lập trước. Rồi đến cấp tỉnh và cuối cùng là đến cấp huyện.
Thứ năm, phải quy định chế tài và thực hiện kiên quyết với các hành vi vi phạm quy hoạch, kiên quyết đoạn tuyệt xử lý vi phạm quy hoạch “phạt cho tồn tại”.
Thứ sáu, Cơ quan Tài nguyên và Môi trường ở Trung ương phải khẩn trương lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia từ ngày Luật Đất đai mới được ban hành, không đợi đến ngày luật có hiệu lực.
Thứ bảy, phải công khai quy hoạch ở mọi cấp để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Thứ tám, khi thẩm định quy hoạch phải tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm hoặc bảo vệ quy hoạch sử dụng đất ở các cấp lập quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia cần có sự tham gia của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp… và người dân.
Đổi mới quy hoạch sử dụng đất: Xóa bỏ sự trục lợi từ đất đai theo nhiệm kỳ
Đáng nói, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo các nội dung đổi mới trên đây, sẽ đảm bảo:
Thực hiện việc phân bổ lực lượng sản xuất, phân bố dân cư, quốc phòng, an ninh và các hoạt động khác phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn ở cấp quốc gia, sau đến cấp tỉnh, cuối cùng là cấp huyện; nhằm khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương để phát triển kinh tế- xã hội bền vững của cả quốc gia, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời khắc phục một số cách làm: Quy hoạch theo phong trào, quy hoạch theo nhiệm kỳ; Khắc phục kỳ quy hoạch ngắn lại còn điều chỉnh, dẫn đến tùy tiện, lợi dụng quy hoạch để trục lợi từ đất đai, nhất là khắc phục lấy đất “bờ xôi, ruộng mật” làm khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, xây dựng nhà máy nhiệt điện.v.v… dẫn đến môi trường bị hủy hoại, ruộng, vườn bị hoang hóa, vì nông dân không yên tâm với sản xuất nông nghiệp, bỏ ruộng vườn ra đô thị mưu sinh.
Còn nhớ, năm 2014, có ông Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường của một đơn vị cấp huyện nói với tôi rằng: “Bây giờ mà thực hiện kiểm kê đất đai thì thực tế đất nông nghiệp ở chỗ em, chỉ bằng 70% so với sổ sách thôi”. Tư duy của nền văn hóa lúa nước, sản xuất tùy tiện, manh mún, cần phải được triệt tiêu trong việc lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất; vì nó còn sống và sống khỏe, nó sẽ băm nát ruộng vườn, đất đai; băm nát đô thị và nông thôn của chúng ta; thí dụ như bán đảo Sơn Trà, nghe nói với lý do “Phát triển du lịch”, người ta có nhiều căn cứ để dự định xây nhiều biệt thự, khách sạn… phá hoại, làm mất nét đẹp hoang sơ, lịch lãm, kỳ vĩ mà thiên nhiên đã dày công tạo hóa.
Đồng thời, thực hiện quy hoạch sử dụng đất dài hạn sẽ hạn chế và xóa bỏ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn tìm cách điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để trục lợi từ đất đai theo nhiệm kỳ. Việc này đã, đang và sẽ diễn ra nếu chúng ta không đổi mới tư duy và thực hiện đổi mới quy hoạch sử dụng đất theo thời hạn lâu dài.
Thêm vào đó, phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu được đặt lên hàng đầu, vì thế việc đảm bảo môi trường xanh hết sức cấp bách, hơn lúc nào hết đây là thời điểm chúng ta phải đặt quy hoạch sử dụng đất là việc làm trước tiên và được thể chế bằng pháp luật với tầm nhìn lâu dài; không để cho hậu thế phải gánh chịu hậu quả xấu được thực hiện bởi quy hoạch sử dụng đất của thế hệ chúng ta.