|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lực bán mạnh khiến nhóm ngân hàng thu hẹp đà tăng, nhiều mã giao dịch với khối lượng khủng

16:15 | 13/01/2022
Chia sẻ
Trái ngược với diễn biến hưng phấn trong phiên sáng, cổ phiếu ngành ngân hàng đã thu hẹp đà tăng khi áp lực chốt lời dâng cao về cuối phiên. Tuy nhiên, điểm sáng trên thị trường là khối ngoại quay trở lại giải ngân vào ngành này với BID (giá trị mua ròng 88,4 tỷ đồng), CTG (68,8 tỷ đồng),...

Sự trở lại của ngành ngân hàng diễn ra trong phiên giao dịch sáng nay, dẫn dắt thị trường hưng phấn ngay từ đầu phiên.

Có thể thấy sự phân hoá rõ rệt giữa hai chỉ số chính. Trong khi áp lực xả lên ngành bất động sản và "họ" FLC chưa có dấu hiệu giảm khiến VN-Index chuyển đỏ thì VN30-Index giữ được sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu vua chiếm phần lớn danh mục. 

Tuy nhiên, về cuối phiên chiều, áp lực chốt lời dâng cao nhóm cổ phiếu trụ khiến thị trường diễn biến tiêu cực. Kết phiên, VN-Index giảm 14,46 điểm (0,96%) còn 1.496,05 điểm và VN30-Index giảm 0,24% xuống 1.526,43 điểm. 

Cổ phiếu ngành ngân hàng thu hẹp đà tăng so với phiên sáng, điển hình như mã BID từ mức chạm trần kết phiên chỉ còn tăng 4,4%. Mã KLB cũng rút ngắn đà tăng từ 12% xuống còn 6%, dừng tại mức 26.500 đồng/cp. Một số cổ phiếu duy trì được sắc xanh trong phiên là BAB (3,1%), NAB (3%), CTG (2,9%)... 

Một lượng lớn dòng tiền nhập cuộc và đổ vào nhóm ngân hàng với giá trị giao dịch toàn ngành đứng đầu thị trường, đạt 8.933 tỷ đồng. Cổ phiếu STB dẫn đầu về thanh khoản với gân 44 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, CTG đạt 35,1 triệu cp, MBB đạt 34,8 triệu cp...

Điểm sáng trên thị trường là khối ngoại quay trở lại giải ngân ngành ngân hàng, có thể kể đến cổ phiếu BID (giá trị mua ròng 88,4 tỷ đồng), CTG (68,8 tỷ đồng),...

Cổ phiếu ngân hàng thu hẹp đà tăng, dòng tiền trực chờ chốt lời sau giai đoạn điều chỉnh - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Có thể thấy sau giai đoạn phân phối và điều chỉnh trong những tháng cuối năm 2021, nhà đầu tư đã trực chờ cơ hội chốt lời chỉ sau hai phiên hồi phục. 

Trong báo cáo công bố mới đây, VinaCapital đặc biệt đánh giá cao lĩnh vực ngân hàng trong năm nay. Lợi nhuận của ngành ngân hàng dự kiến tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 14% và sự phục hồi sau đại dịch. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng dự kiến không mạnh tay hạ lãi suất cho vay như năm 2021.

Ngoài ra, hai yếu tố cũng sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2022 gồm: 1) cơ cấu khoản vay được cải thiện và 2) chi phí cấp vốn thấp hơn. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý nợ xấu của chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay do COVID-19 trong 3 năm qua.

Bảo Ngọc