|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Luật Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: Bao giờ sửa?

07:57 | 06/02/2020
Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi có hiệu lực (tháng 7/2013) đã vượt trên 22%, song ngưỡng chịu thuế lỗi thời trong Luật Thuế TNCN vẫn giữ nguyên. Các chuyên gia cho rằng, nếu luật này không được sửa đổi, nhân tài sẽ không còn động lực, giảm tính cạnh tranh quốc gia.
Luật Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời: Bao giờ sửa? - Ảnh 1.

Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu không khuyến khích, động viên được người lao động

Thưởng Tết 100 triệu, đóng thuế 25 triệu

Câu chuyện thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lỗi thời lại nóng lên khi nhiều người vừa vui sướng vì được thông báo tiền thưởng Tết (có nơi gọi là tiền lương tháng 13) lên tới cả 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận tiền, họ choáng váng phải đóng thuế TNCN tới 35% số tiền đó.

Như trường hợp anh Hoàng Lâm (40 tuổi, Hà Nội), được thưởng 100 triệu đồng với danh hiệu lao động xuất sắc năm từ công ty. Thế nhưng, con số thực nhận khiến anh giật mình khi hơn 25 triệu đồng đã bị trừ thuế TNCN. “Cả năm lao động cật lực, mòn mỏi chờ tiền thưởng, để rồi hụt hẫng như bị dội gáo nước lạnh.

Theo quy định tại Điều 3, Luật Thuế TNCN sửa đổi năm 2012, thu nhập chịu thuế bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản tương đương. Ngoài ra, các khoản phụ cấp, trợ cấp và tiền thưởng... cũng thuộc diện chịu thuế. Thuế thu nhập với tiền thưởng Tết hiện cũng dựa theo biểu thuế luỹ tiến từng phần như với thu nhập từ tiền lương, với 7 bậc từ 5% đến 35% tương ứng với số tiền chịu thuế.

Với lương tháng thứ 13, hiện pháp luật không quy định về khoản tiền lương này và nó được xem là tiền thưởng cuối năm mà các doanh nghiệp (DN) tự đưa ra trong hợp đồng lao động. Do đó, nếu DN trả lương tháng 13 gộp cùng với thưởng Tết, người lao động sẽ phải chịu nhiều thuế TNCN hơn (số tiền chịu thuế bị cộng dồn). Trong khi, nếu DN trả riêng lương tháng thứ 13 và thưởng Tết thành 2 đợt, người lao động sẽ chịu thuế TNCN 2 lần với thuế suất thấp hơn nhiều.

Do cùng tính chất nộp thuế với tiền lương nên thưởng Tết cũng được tính giảm trừ bản thân 9 triệu đồng, và giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng trên mỗi người phụ thuộc. Ví dụ, người lao động có thưởng Tết 20 triệu đồng và không có người phụ thuộc, số tiền phải tính thuế sẽ là 12 triệu đồng (thuộc 3 bậc đầu của biểu thuế). Trong đó, 5 triệu khởi đầu sẽ tính thuế 5%, 5 triệu tiếp theo tính thuế 10% và 2 triệu còn lại tính thuế 15%.

Việc điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN đã được bàn thảo nhiều, thế nhưng, chưa điều chỉnh. Cuối năm 2019, báo Tiền Phong cũng có nhiều bài viết đề cập việc thuế TNCN đã lỗi thời.

Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực (tháng 7/2013) sẽ phải sửa mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN. Từ tháng 7/2013 đến hết năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên hơn 22% song ngưỡng chịu thuế TNCN lỗi thời vẫn giữ nguyên.

Lo hụt thu ngân sách?

Luật thuế TNCN hiện hành quy định biểu thuế 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Nguồn thu từ thuế TNCN có đóng góp lớn cho ngân sách hằng năm. Theo cơ quan thuế, tổng thu ngân sách năm 2019 từ thuế đạt 1.276.219 tỷ đồng, bằng 109,3% so với dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng thuế TNCN đạt trên 98.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thu từ dầu thô.

Điều đáng nói là, trong vòng 10 năm trở lại đây, thu từ thuế TNCN tăng mạnh. Nếu năm 2010 thu được khoảng 26.000 tỷ thì hiện nay đã đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 4 lần. Điều này phản ánh thực tế đối tượng chịu thuế suất lớn (số người có thu nhập chịu thuế từ 10 triệu đồng trở lên) đang trở thành số đông.

Với thực tế hiện nay, nhu cầu cần lực lượng lao động chuyên môn cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thuế suất cao (30% và 35%) sẽ không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động. Mức thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc.

Một bất cập khác là sự chênh trong điều chỉnh mức thuế tại Luật thuế TNCN và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trong khi DN ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế TNCN vẫn giữ nguyên về bước thuế và thuế suất. Điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế TNCN.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Côngty Basico, thuế suất thuế TNCN chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Do đó, cần sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp. Làm như thế thì thuế TNCN mới công bằng và bền vững.

“Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Tôi đề xuất chỉ nên giảm xuống 4 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay, các mức thuế càng ít, càng đơn giản thì càng tốt. Quan trọng là đối với những người có thu nhập 5- 10 triệu đồng/tháng chỉ nên áp dụng mức thuế hợp lý. Mức thuế suất áp dụng tối đa chỉ nên là 20% thay vì 35% như hiện nay”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ngày 5/2, xác nhận với PV Tiền Phong, bà Tạ Thị Phương Lan,  Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, vụ đã tổng hợp số liệu thống kê chỉ số CPI năm 2019 từ Tổng cục Thống kê gửi lên. Thống kê cho thấy, CPI cao hơn 22% so với thời điểm Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực. Vụ này đã trình Tổng cục Thuế báo cáo lên Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng xác nhận đã trình và đang chờ phản hồi từ phía Chính phủ để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Tuấn Nguyễn

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.