|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm thuế thu nhập cá nhân để tăng niềm tin

11:08 | 28/08/2019
Chia sẻ
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là biện pháp tăng niềm tin trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhất là khi chỉ số giá tiêu dùng, hay nói cách khác là “thuế lạm phát”, đã vượt 20%.
 - Ảnh 1.

Tài xế Grab băn khoăn khi bị trừ thuế TNCN 60.000 đồng/ngày từ 26-8 - Ảnh: C.TRUNG

Chiến tranh thương mại đang gây ra những bất ổn nhất định, bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu ngày càng lộ rõ. Quan sát phản ứng chính sách của các nước, có thể tóm gọn lại là họ thực hiện 3 giảm, 1 tăng. 

Ba cái giảm là: giảm thuế, giảm lãi suất và giảm điều tiết (giảm thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp). 

Ngược lại, chỉ duy nhất một tăng, đó là tăng niềm tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp để họ có động lực chi tiêu, đầu tư. Đây là những nhân tố quan trọng để tạo nên tăng trưởng GDP.

Trong khi đó tại Việt Nam, bên cạnh những cải thiện, một số điểm chúng ta dường như đang đi ngược: lãi suất đang có xu hướng tăng lên; thuế, phí vẫn là mối lo với nhiều người dân và doanh nghiệp; việc cải thiện điều kiện kinh doanh ở nhiều nơi vẫn nằm ở lý thuyết bởi trên thực tế chuyển biến vẫn còn chậm chạp.

Trong bối cảnh đó, việc chúng ta không xem xét lại thuế TNCN, không tăng mức giảm trừ gia cảnh nghĩa là chúng ta đã gây khó khăn cho người dân và suy cho cùng là doanh nghiệp. Nếu người dân giảm chi tiêu thì doanh nghiệp buộc phải giảm sản xuất. 

Các quốc gia trên thế giới đang tìm mọi cách để tăng niềm tin và khát vọng làm ăn kinh doanh đối với người dân và doanh nghiệp, nếu không thay đổi nhanh (luật đã quy định CPI tăng trên 20% thì phải xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh), rõ ràng chúng ta đang đi ngược lại với xu thế toàn cầu.

Những dự báo cho thấy xu thế GDP sụt giảm trên toàn cầu. Do đó, việc giảm thuế TNCN thông qua hình thức nâng mức giảm trừ gia cảnh có thể xem là chính sách bảo hiểm cho những bất ổn, suy thoái nếu có trong tương lai, góp phần bù đắp những khó khăn.

Phải xem đây là một chính sách nên thực hiện và việc giảm thuế này không phải là "ban phát" cho người dân mà là tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. 6 năm qua, chỉ số CPI tăng trên 20%, điều này có nghĩa là "thuế lạm phát" cũng đã tăng trên 20%. Lạm phát là một loại thuế đánh vào thu nhập của người dân. 

Do đó, vấn đề quan trọng là người dân được yêu cầu được đảm bảo sự công bằng trong việc đóng thuế.

Bên cạnh đó, chúng ta nên tạo cho xã hội, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thấy rằng Chính phủ Việt Nam sẵn sàng có những công cụ, chính sách đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn như hiện nay. 

Thế giới hiện tồn tại những bất ổn, do đó việc giảm thuế, tạo niềm tin, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là vấn đề quan trọng. Không có lý do gì để chúng ta chậm trễ hơn nữa bởi thế giới đã hành động, nếu chúng ta hành động chậm trễ hoặc đi ngược lại xu thế thì không tạo ấn tượng tốt về môi trường kinh doanh. 

Ngược lại, nó còn có thể dẫn đến những tác động tiêu cực về dư luận xã hội với những câu hỏi về khả năng cân đối ngân sách.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh, thu từ thuế TNCN nếu giảm cũng chỉ giảm trong ngắn hạn; còn về dài hạn, việc giảm nguồn thu đó sẽ nằm trong túi người dân khiến họ tăng chi tiêu. Chi tiêu tạo ra tăng trưởng GDP, mang lại lợi ích có thể gấp nhiều lần số nguồn thu sụt giảm. 

Đừng vì lợi ích thu ngân sách nhất thời mà phải nghĩ tác động lan tỏa dài hạn của chính sách. Luật đã quy định phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng quá 20% kể từ khi Luật thuế TNCN có hiệu lực hoặc so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất. Chính phủ cần phải vào cuộc để thực hiện ngay một quyết sách hợp lòng dân.

Tài xế Grab phản ứng khi bị thu thuế TNCN 60.000 đồng/ngày

Câu chuyện thuế TNCN luôn là mối quan tâm của nhiều người. Trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) ngày 26-8, nhiều tài xế Grab đã tập trung phản ứng việc bất ngờ bị hãng thu thuế TNCN 60.000 đồng/ngày thông qua ví tài khoản, bất kể tài xế có chạy xe hay không.

Chạy từ huyện Củ Chi đến Trung tâm hỗ trợ tài xế Grab ở Q.10 trưa nắng gắt, anh Lê Ngọc Nhiều - một người chạy GrabBike - cho biết việc thu 60.000 đồng/ngày dù tài xế có chạy hay không chạy xe là điều bất hợp lý. "Đến nay, tôi vẫn chưa đạt doanh thu 100 triệu đồng trong năm 2019, cơ sở nào để thu" - anh Nhiều hỏi.

Nhiều ý kiến của tài xế cũng phàn nàn khi Grab tính tổng doanh thu và thu trước tiền thuế của anh em tài xế nhưng không được tính những khoản khấu hao xăng, điện thoại, hao mòn xe, trong khi đối tượng kinh doanh đều được trừ.

Dù đã nhận được câu hỏi nhưng hiện đại diện Grab chưa đưa ra câu trả lời về sự việc trên.

Công Trung

GS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP HCM) - Ngọc Hiến ghi