|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Lửa thử vàng, gian nan thử sức' với chanh dây, chuối và thanh long của Hoàng Anh Gia Lai

10:19 | 03/10/2017
Chia sẻ
Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính đối với chanh dây, chuối và thanh long của Hoàng Anh Gia Lai. Trái cây dù tạo ra dòng tiền nhanh nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro về thị trường tiêu thụ, yếu tố thời tiết khó dự báo. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", liệu năm 2017 có là ánh bình minh giống như Tập đoàn HAGL kỳ vọng?
lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Mảng trái cây liệu có đem lại "Ánh bình minh" giống như kỳ vọng của Hoàng Anh Gia Lai?

"Một nghề thì sống, đống nghề thì chết", câu nói này dường như đúng với trường hợp của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG). Kinh doanh bất động sản một thời gian thì thua lỗ; lấn sang thuỷ điện cũng không khả quan; trồng cao su, mía đường đến thu hoạch thì giá rớt thê thảm.

Năm 2016, HAGL lựa chọn chuyển hướng sang trồng cây ăn quả nhằm tận dụng quỹ đất lớn của mình tại Lào, Campuchia với mong muốn tạo ra dòng tiền nhanh, giúp Công ty "lấy ngắn nuôi dài". Tập đoàn trồng 17 loại trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP, trong đó năm 2017 dự kiến doanh thu sẽ đến từ chanh dây, chuối, thanh long lần lượt 1.055 tỷ, 843 tỷ và 680 tỷ đồng.

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Nguồn: VCSC/HAGL

Chanh dây - Tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức

Chanh dây tươi HAGL hiện được xuất khẩu sang Trung Quốc, Eu và Thái Lan. Trong đó, 70% xuất theo dạng trái cây tươi, còn lại múc ruột cấp đông xuất bán.

Theo tìm hiểu, chanh dây Trung Quốc được trồng ở các khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây... thời gian thu hoạch từ tháng 6 năm nay đến tháng 2 năm sau trong khi chanh dây ở Việt Nam có thể trồng và thu hoạch quanh năm.

Giá bán buôn chanh dây tươi ở thị trường Trung Quốc dao động khoảng 22.000 - 65.000 đồng/kg.

Chanh dây của HAGL sử dụng là giống Đài Nông 1, cũng chính là giống Công ty Cổ phần Nafoods Group (Mã: NAF) - đơn vị xuất khẩu chanh dây lớn nhất Châu Á đang trồng.

Thị trường EU khó tính, sản phẩm của HAGL đã đáp ứng đủ yêu cầu tiêu chuẩn Global GAP. Nhưng vấn đề nan giải ở đây là khâu bảo quản.

Nafoods chiếm 7 - 8% thị phần chanh dây cô đặc trên thế giới mới chỉ rục rịch lên kế hoạch xuất khẩu chanh dây tươi nhưng vẫn còn loay hoay trong khâu bảo quản làm sao để chanh tươi nhưng lại không đội chi phí. Phó Tổng giám đốc Nafoods từng chia sẻ: "Bảo quản nhờ công nghệ bọc màng sáp từng quả ở vào khoảng 33 ngày – chỉ đủ cho quả chanh dây của Nafoods “đi máy bay” sang Châu Âu. Với phương thức này, giá thành chanh dây bị đẩy lên, do đó giảm biên lợi nhuận".

Nafoods đang thử nghiệm để có thể tăng thời gian bảo quản chanh dây tươi, kéo dài từ 45 - 60 ngày để có thể vận chuyển bằng đường thủy, hoặc kết hợp đường thủy và đường không nhằm giảm giá thành.

Trong khi đó, HAGL chưa đề cập đến việc bảo quản chanh dây.

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, hầu hết chanh dây đi vào thị trường EU ở dạng cô đặc hoặc dạng nước trái cây. Thị trường chanh dây tươi đang tăng với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Kenya, Zimbabwe, Nam Phi, Colombia và Israel.

Chanh dây tím là sản phẩm phổ biến hơn cả ở Châu Âu. Theo báo cáo, giá 1 quả chanh dây dao động từ 0,6 - 0,7 Euro/quả, tương đương 16.000 - 19.000 đồng/quả. Với trọng lượng từ 74 - 139g/quả, ước tính 1kg chanh dây giá khoảng 170.000 - 202.000 đồng. EU hiện nhập chanh dây chủ yếu từ Châu Phi như Kenya, Nam Phi (loại màu tím) và Colombia, Ecuador (loại màu vàng).

Tại Thái Lan - đất nước với kim ngạch xuất khẩu hoa quả lên tới gần 2,8 tỷ USD năm 2016 cũng có khí hậu nhiệt đới giống Việt Nam nên trồng được nhiều loại hoa quả trong đó có shanh dây được trồng quanh năm. Thái Lan có lẽ không phải thị trường trọng điểm mà HAGL hướng đến bởi chanh dây Thái Lan cũng được xuất khẩu đi nhiều nước.

Theo báo cáo thăm vườn cây của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hồi tháng 6, giá vốn hàng bán đối với chanh dây HAGL là 12.000 - 13.000 đồng/kg. HAGL lý giải biên lợi nhuận từ trái cây cao nhờ quy mô lớn, cho phép bỏ qua nhiều khâu trung gian, bán trực tiếp cho các nhà phân phối lớn cũng như các chợ đầu mối ở Trung Quốc.

Hàn Quốc, Nhật Bản - "mỏ vàng" tiêu thụ chuối nếu ký kết được hợp đồng

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Chuối của HAGL đang được bán tại một siêu thị lớn tại Thượng Hải (Ảnh: HAGL)

Ngày 10/7, HAGL bắt đầu thu hoạch chuối, xuất khẩu qua đường biển, đường bộ và bán tại nhiều siêu thị ở Trung Quốc.

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Nguồn: Produce marketing associaton

Tại đây, chuối là loại quả được nhập khẩu nhiều nhất tính đến hết năm 2015. Theo tìm hiểu, giá chuối ở Trung Quốc được bán với giá dao động từ 16.000 - 17.000 đồng/kg và được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc từ tháng 2 - 9. Ảnh hưởng từ việc giảm nhập khẩu ở Philippines nên hiện tại Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu chuối từ Việt Nam và Thái Lan qua đường bộ.

HAGL cho biết hiện giá chuối Tập đoàn bán tương đương khoảng 630 USD/tấn (giá CIF) xấp xỉ 14.000 đồng/kg. Do đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, sắp tới giá bán chuối của Tập đoàn sẽ ngang với mức giá nhập khẩu chuối Philippine, khoảng 18.000 - 20.000đ/kg.

Chuối của HAGL trồng ở Campuchia được vận chuyển trên đất liền đến các cảng ở Việt Nam và sau đó đưa lên tàu chở hàng đến Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ở Campuchia cũng đã bắt đầu đưa chuối của HAGL vào siêu thị bán. Còn trong nước, chuối HAGL được bán tại siêu thị Bách Hoá Xanh với giá 25.000đ/kg. So với sản phẩm tại Vinmart như chuối tây (22.000 đồng/kg), chuối cao (30.700 đồng/kg), chuối tiêu loại 1 (35.700 đồng/kg) thì sản phẩm chuối Nam Mỹ của HAGL có giá rẻ hơn.

HAGL đang đàm phán với nhiều đối tác nhập khẩu chuối ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiêu thụ dài hạn số lượng lớn sản phẩm chuối HAGL. Đây cũng là 3 nước nhập khẩu chuối lớn nhất từ Philippines.

Nếu HAGL ký kết được các hợp đồng xuất khẩu lớn thì Nhật Bản là một thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với chuối HAGL, bởi giá bán buôn chuối tại thị trường Tokyo khoảng 44.000 đồng/kg, gấp hơn 2 lần so với giá bán hiện tại của Tập đoàn. Hồi tháng 5/2016, chuối của Việt Nam đã chính thức được tiêu thụ tại thị trường khó tính Nhật Bản.

Với Hàn Quốc, chuối là quả được tiêu thụ nhiều nhất tại đây với giá bán lẻ dao động khoảng 80.000 - 120.000 đồng/kg.

Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu thanh long từ Việt Nam

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Vườn thanh long của HAGL (Ảnh: HAGL)

HAGL cho biết từ 25/9 tới hết 2017, Công ty sẽ thu hoạch 1.000 ha thanh long ruột tím và đỏ được trồng từ 2016. Sản lượng dự kiến đạt 8.000 tấn với doanh thu 320 tỷ đồng, tương đương giá bán khoảng 40.000 đồng/kg.

Tập đoàn cho biết đã thử nghiệm tiêu thụ thanh long tại thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tuy nhiên hiện giá bán chưa được công bố do tình hình biến động giá mùa thu hoạch chính ở cả Việt Nam và Trung Quốc.

Theo tìm hiểu thanh long trắng được mua tại vườn ở Trung Quốc có giá khoảng 11.000 - 16.500 đồng/kg, trong khi đó thanh long đỏ có giá lên đến 55.000 - 80.000 đồng/kg.

Thanh long nội địa Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11, trong đó cuối quý III là mua thu hoạch chính giống ở Việt Nam nên giá bán thường thấp nhất trong năm, chỉ bằng 50 - 60% giá bán trái vụ trong quý IV và quý I. HAGL cho biết điều này ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thanh long, do đó sản lượng dự kiến đạt được của quý IV chỉ là 8.000 tấn thấp hơn nhiều so với kế hoạch 17.000 tấn.

Dù thanh long không nằm trong top 10 loại quả nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc nhưng từ năm 2016 Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu thanh long từ Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc năm 2016, lượng tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc chủ yếu 99% nhập khẩu từ Việt Nam và nguồn cung trong nước.

Năm 2017 có là ánh bình minh?

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai
Thông điệp trên BCTN 2016 của HAGL.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", liệu năm 2017 có là ánh bình minh giống như Tập đoàn HAGL kỳ vọng. Trái cây dù tạo ra dòng tiền nhanh nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro về thị trường tiêu thụ, yếu tố thời tiết khó dự báo.

Có lẽ phải hết năm 2017 nhà đầu tư mới có thể nhìn nhận kỹ hơn mảng trái cây của HAGL. Bên cạnh chanh dây, chuối và thanh long đang thu hoạch thì xoài và mít là hai loại trái cây trồng trọng điểm đã cho ra trái, chuẩn bị cho vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 12 tới và quý I/2018.

Ngoài ra, HAGL đã tiến hành trồng thêm các loại cây có nhu cầu tiêu dùng cao trong khu vực mà Việt Nam phù hợp thổ nhưỡng và có lợi thế cạnh tranh như hồ tiêu và ớt. Sản phẩm hồ tiêu đầu tiên sẽ được bán từ tháng 10 và ớt sẽ bắt đầu thu hoạch và bán trong tháng 12 năm nay.

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai Chuối của HAGL đang được bán tại nhiều siêu thị lớn ở Trung Quốc, Campuchia

Nhiều hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Triết Giang, Đại Liên... và cả ...

lua thu vang gian nan thu suc voi chanh day chuoi va thanh long cua hoang anh gia lai HAGL: Chuối, chanh dây có thể đạt doanh thu đề ra nhưng thanh long khó hoàn thành

Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh đến 12/9 của HAGL, chuối có thể mang về doanh thu 843 tỷ trong năm 2017, ...

Hoàng Kiều