Lừa đảo tiền điện tử tại Việt Nam giảm 15% trong năm 2022
Vừa qua, Kaspersky đã công bố báo cáo mới về các cuộc tấn công mạng trong năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh các cuộc tấn công đe dọa tài chính truyền thống như máy tính ngân hàng và phần mềm độc hại trên thiết bị di động trở nên ít phổ biến hơn, tội phạm mạng toàn cầu đang chuyển hướng tấn công sang các lĩnh vực mới, bao gồm cả lĩnh vực tiền điện tử.
Theo báo cáo của Kaspersky, hình thức lừa đảo liên quan tới tiền điện tử trong năm 2022 đã tăng tới 40%, với hơn 5 triệu vụ lừa đảo bị phát hiện so với gần 3,6 triệu vụ lừa đảo trong năm 2021. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến thị trường tiền điện tử lao dốc trong năm qua.
Hiện chưa có dự đoán chính xác về xu hướng các vụ lừa đảo tiền điện tử và liệu điều này có tiếp tục diễn ra hay không, song theo dữ liệu khảo sát của Kaspersky vào đầu năm nay, cứ 7 người tham gia khảo sát lại có một người cho biết là nạn nhân hoặc bị ảnh hưởng từ các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Mặc dù hầu hết các đối tượng xấu thực hiện những hành vi lừa đảo tiền điện tử đều sử dụng những thủ thuật truyền thống như lừa đảo tặng quà hoặc qua các trang web lừa đảo ví điện tử, nhưng một kế hoạch lừa đảo đang hoạt động gần đây do Kaspersky phát hiện cho thấy những kẻ xấu đã liên tục đưa ra các kỹ thuật mới để đảm bảo tỷ lệ thành công của chúng.
Cụ thể, người dùng nhận được một tệp PDF bằng tiếng Anh qua email, nói rằng họ đã đăng ký nền tảng khai thác tiền điện tử trên đám mây từ lâu và cần rút tiền ngay lập tức do tài khoản của họ không hoạt động.
Tệp PDF này chứa liên kết đến một nền tảng khai thác giả mạo. Để rút tiền điện tử, người dùng phải điền vào biểu mẫu thông tin cá nhân, bao gồm số thẻ hoặc số tài khoản và trả tiền hoa hồng, trong trường hợp này, thông qua ví tiền điện tử hoặc trực tiếp đến địa chỉ ví được chỉ định.
“Mặc dù có một số vấn đề đã xảy ra trong thị trường tiền điện tử trong khoảng 6 tháng qua, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, tiền điện tử vẫn là biểu tượng của việc làm giàu nhanh chóng mà không cần bỏ quá nhiều công sức.
Do đó, dòng chảy của những kẻ lừa đảo ký sinh trong lĩnh vực này không hề cạn kiệt. Để dụ nạn nhân vào “bẫy” của mình, những kẻ lừa đảo này tiếp tục nghĩ ra những câu chuyện mới và thú vị hơn, đồng thời cũng trở nên tinh vi hơn”, Olga Svistunova, chuyên gia bảo mật của Kaspersky nhận xét.
Riêng ở khu vực Đông Nam Á, Kaspersky đã phát hiện ra hơn 64.000 vụ lừa đảo tiền điện tử trong năm 2022, giảm 15% so với năm trước. Việt Nam với tỷ lệ lừa đảo tiền điện tử giảm 15% so với năm 2021 cũng nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á chứng kiến mức giảm lớn nhất, chỉ sau Singapore (giảm 74%) và Thái Lan (giảm 51%).
Trái lại, một số quốc gia khác tại Đông Nam Á như Malaysia (tăng 4%), Indonesia (tăng 26%) và Philippines (tăng 170%) lại chứng kiến tỷ lệ tăng các vụ lừa đảo trong năm 2022 so với năm 2021.